Ngay từ ban đầu, STEAM for Vietnam đã thiết kế nội dung và phát triển công nghệ để có thể phục vụ được số lượng lớn học viên, mỗi lớp học với cả ngàn học sinh cùng học đồng thời hay còn gọi là mô hình Superclass. Cụ thể, chương trình sẽ sử dụng phương pháp học trực tuyến Live MOOC và các bài giảng sẽ được thiết kế dưới hình thức online kết hợp offline — OMO Superclass Model, được xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam.
Để có thể hiểu rõ hơn về khóa học, hãy cùng STEAM for Vietnam tìm hiểu mô hình OMO & Live MOOC là gì và vì sao chúng mình lại lựa chọn hình thức này cho khóa học CS 101 sắp tới nhé!
1. Mô hình lớp học OMO & Live MOOC là gì?
OMO (online-merge-offline), là mô hình hợp nhất hỗ trợ các hoạt động giảng dạy trực tuyến (online), kết hợp với các hoạt động thể chất trực tiếp (offline).
Với phương thức học này, giảng viên sẽ giảng dạy và chia sẻ tài liệu thông qua các nền tảng trực tuyến. Các học viên sẽ có hai lựa chọn, hoặc là tự học ở nhà hoặc là tham gia các lớp học nhóm được tổ chức và tài trợ bởi các đối tác của STEAM for Vietnam trên cả nước. Với các lớp học nhóm, học viên sẽ theo dõi bài học qua livestream (truyền trực tiếp) từ các giảng viên ở Mỹ, ngoài ra có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ trợ giảng là các tình nguyện viên đã được đào tạo và cử tới tham gia các lớp học này. Qua đó, học viên với số lượng lớn dù ở bất kỳ đâu, thành thị hay nông thôn, đều có cơ hội như nhau để học bài giảng Livestream từ những giảng viên giỏi nhất, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tại chỗ từ các trợ giảng như những lớp học truyền thống.
MOOC (Massive Open Online Courses) là phương pháp dạy và học trực tuyến với quy mô lớn, số lượng người đăng kí khoá học có thể lên đến hàng nghìn người và thường không ràng buộc về điều kiện tham dự.
Dù mới xuất hiện từ năm 2008, nhưng hình thức học này đã sớm bùng nổ và được phổ biến rộng rãi tại các trường Đại học trên toàn thế giới. Theo Wikipedia, năm 2012 đã đánh dấu mức độ lan tỏa của MOOC khi nhận được phản hồi tích cực từ các học viên nhờ tính năng tương tác tốt, quản lý tiến độ khóa học ổn định và các bài thi được nâng cao chất lượng.
MOOC truyền thống thường sử dụng các video được quay sẵn để người học tự xem, sau đó làm các bài kiểm tra cùng bài thi và kết thúc khoá học theo khả năng học của mình. Mô hình này đáp ứng rất tốt cho lứa tuổi Trung học Phổ thông trở lên, có khả năng tập trung cũng như khả năng tự học cao. Tuy nhiên, với các đối tượng học viên lứa tuổi còn trẻ như cấp Tiểu học hoặc Trung học Cơ sở thì nó sẽ không phù hợp vì đa số các em có thời gian tập trung ngắn và khả năng tự học một mình chưa cao.
Vì vậy, STEAM for Vietnam cải tiến kiến trúc mô hình MOOC thành Live MOOC với tất cả các bài giảng được thực hiện bằng livestream để các học viên có sự tương tác nhất định, bên cạnh đó giảng viên có thể nhắc học viên ghi nhớ những phần quan trọng của bài giảng cũng như kêu gọi sự chú ý và tập trung của các em.
Hai mô hình này tập trung vào việc hỗ trợ các bài giảng của giáo viên và học sinh xuyên suốt quá trình dạy và học. Chỉ qua kết nối với máy tính hoặc các thiết bị di động khác, các em học sinh có thể xem lại bài giảng và tương tác với giảng viên và các học viên khác mọi lúc mọi nơi.
2. Vì sao lại chọn mô hình OMO & Live MOOC?
Không phải tất cả học sinh đều học theo cùng một cách, một số học sinh tiếp thu nhanh thông qua việc quan sát và lắng nghe, trong khi những học sinh khác thực tế hơn, cần phải tương tác và thực hiện các hoạt động để có thể tiếp thu bài học. Chính vì thế, mô hình OMO kết hợp giữa hai cách học trên sẽ tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm khóa học một cách tốt nhất.
Qua hình thức học OMO và lớp học Live MOOC, các em học sinh trên toàn quốc có thể tiếp cận với chương trình học Lập trình đẳng cấp thế giới hoàn toàn miễn phí, chỉ đơn giản với một chiếc máy tính và kết nối Internet!
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học viên, dạy và học trên mô hình lớp học OMO cùng phương pháp Live MOOC còn có các lợi ích sau:
- Chỉ cần một số lượng giảng viên giỏi nhất định là có thể phục vụ được một lượng đối tượng học viên lớn
- Tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng nắm bắt và đánh giá học sinh
- Kết quả học tập của học viên tốt hơn thông qua việc sử dụng các phương tiện thông tin đa dạng
- Phát triển các kỹ năng tập thể cũng như thúc đẩy các học viên cùng học tập và trao đổi kinh nghiệm
- Thời gian linh hoạt hơn
- Giảm nhu cầu và chi phí di chuyển
- Giảm các dạng chi phí đào tạo
3. Ứng dụng thực tiễn của mô hình OMO và Live MOOC
Tại Đại học Mở Thượng Hải (ShangHai Open University), mô hình OMO đã được giả lập và áp dụng trong một số lớp học. Qua khảo sát, tất cả sinh viên và giáo viên đều có thái độ tích cực đối với trải nghiệm dạy và học trên mô hình OMO. Toàn bộ số học viên và 94.4% giáo viên bày tỏ sẵn sàng sử dụng OMO trong tương lai. So sánh với lớp học thông thường, sử dụng mô hình OMO, các bạn sinh viên đã có thể sắp xếp thời gian và địa điểm học linh hoạt hơn, đồng thời vẫn nhận được sự hỗ trợ từ các hướng dẫn viên bên ngoài, nhờ đó cải thiện chất lượng học đáng kể.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều các trường Đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Princeton, v.v. đã áp dụng các lớp học MOOC này, thông qua các nền tảng học trực tuyến bao gồm Coursera, Udacity, và edX. David Malan, một giáo sư trẻ tại Đại học Harvard, đã thiết kế và dạy khóa học CS50 — chương trình Lập trình căn bản cho sinh viên ngành Khoa học Máy tính trên edX. Sức ảnh hưởng của CS50 đã vươn xa trên khắp thế giới, thu hút hàng triệu sinh viên đăng ký và trở thành hình mẫu cho rất nhiều dự án cũng như lớp học theo hình thức MOOC. Ngoài ra, khoá học đã truyền cảm hứng cho các hoạt động vệ tinh trên mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực.
Tuy OMO & Live MOOC vẫn còn mới lạ đối với giáo dục Việt Nam, các mô hình giáo dục này đã sớm nhận được phản hồi tích cực từ hàng triệu giáo viên cũng như học sinh, sinh viên trên khắp thế giới. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể trông đợi hình thức giáo dục mới này được áp dụng bởi nhiều tổ chức và trường học trên thế giới hơn nữa, hứa hẹn đem lại môi trường giáo dục tối ưu cho các em qua những phương pháp dạy và học đầy tính đột phá.
— — —
Thông qua các phương pháp học trên, STEAM for Vietnam mong muốn giới thiệu với các em nhỏ Việt Nam mô hình giáo dục đẳng cấp thế giới này, để các em bước đầu tiếp xúc với chúng và tạo nền tảng mới cho phương thức học tập của thế hệ trẻ Việt sau này.
Để có thể truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, tiếp nối một năm đầy bùng nổ với hành trình STEAM Bus mang các workshop miễn phí về lập trình và Robotics tới 5 tỉnh thành trên cả nước và giải đấu National Robotics VEX IQ Tournament, STEAM for Vietnam chính thức khai giảng Spring Coding Bootcamp – Học kỳ Mùa xuân 2023 với 2 khoá học lập trình về Scratch và Python. Trong suốt 3 năm qua, hai khoá học này đã thu hút hàng chục nghìn học sinh người Việt trên 33 quốc gia, góp phần tạo nên thương hiệu của STEAM for Vietnam.
Tìm hiểu thêm về các lớp học: https://www.steamforvietnam.org/courses
Đăng ký khóa học lập trình mùa xuân 2023: https://steamforvietnam.org/form/50
— — —
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
— — —
📧Email: hello@steamforvietnam.org
🌐Website: www.steamforvietnam.org
🌐Fanpage: STEAM for Vietnam
📺YouTube: http://bit.ly/S4V_YT
🌐Zalo: Zalo Official
📍Donation: https://www.steamforvietnam.org/donation