Bài học vỡ lòng cho con về ứng xử văn minh
Đây là bài học vỡ lòng của bất kỳ trẻ em nào cũng đều đã rất quen thuộc từ khi mới học biết mặt chữ. Với tâm trí đầy sáng tạo của trẻ nhỏ, cách giáo dục dễ dàng nhất giúp các bé đọng lại kiến thức đó là vẽ nên trong trí tưởng tượng của chúng những hình ảnh mang tính chất “Tham khảo” dễ hiểu.
Thế nhưng trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, lĩnh vực nào cũng cần sự sáng tạo và đổi mới. Việc hình thành nhận thức về lối hành xử văn minh, tôn trọng và cầu tiến là vô cùng cần thiết cho các em. Một trong số những bài học vỡ lòng đó là sự khác biệt giữa “Tham khảo” và “Sao chép”.
Tham khảo (reference) trong khoa học nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung là điều đương nhiên phải làm. Tham khảo là đọc, học hỏi các công trình nghiên cứu, các giải pháp, các tư tưởng… của người khác. Nói học hỏi, tham khảo người đi trước là điều đương nhiên bởi nếu không tham khảo thì sẽ không có sự kế thừa và phát triển. Đó là tiền đề của sự phát triển, sáng tạo và là cách xã hội phát triển nhanh.
Học cùng bạn bè hay tham khảo từ bạn bè luôn là cách nhanh nhất để tiếp thu và học hỏi kiến thức. STEAM for Vietnam đã tạo ra một môi trường học hỏi — kết nối — sáng tạo cho các bé, để các bé được tiếp xúc với khoa học công nghệ không chỉ từ các chuyên gia mà còn từ các bạn học của mình. Trại hè Lập trình Summer Bootcamp 2020 cũng được tạo ra dựa trên sự tham khảo mã nguồn mở Open edX, vốn là công sức của rất nhiều người khác đã xây dựng nên, từ đó sáng tạo thêm các tính năng khác để phù hợp với mục tiêu giảng dạy của chương trình.
Tuy nhiên, phải rất rõ ràng trong việc nhận đâu là phần vay mượn và đâu là đóng góp của mình. Đây có lẽ là điều mà con trẻ chưa có nhiều nhận thức rõ ràng bởi trong chính cách giáo dục hiện tại có quá nhiều lỗ hổng để chúng lầm tưởng việc sao chép là tham khảo là bình thường.
Đừng để việc sao chép, đạo văn, … trở thành thói quen
Tham khảo là điều bình thường, nhưng sao chép, đạo văn… thì không!
Có một thực tế rằng việc sao chép trong học tập vẫn đang được tiếp diễn và trở thành một việc khó tránh khỏi. Thầy cô dạy trẻ cảm thụ một bài văn, nhưng cách cảm thụ chỉ có một, là cảm thụ những ý chính theo một “khuôn mẫu” sẵn có. Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, nếu như không có sự tham khảo và truyền cảm hứng ấy cũng rất khó để cảm thụ, để hiểu hết được sự sâu xa trong từng câu chữ của tác giả.
Quay trở lại với Trại hè của STEAM for Vietnam, khái niệm “remix” đã rất quen thuộc với các con. Đó là việc phối lại bài học, thành quả của người khác và dựa vào đó để sáng tạo thành sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu remix mà “quên” không nhắc đến tác giả gốc mà mình đã mượn và nhận đó là bài của mình thì đây chắc hẳn không phải là hành vi đúng. Ngược lại, nếu sau khi phối lại bài, các em trích dẫn mình đã sử dụng bài của ai, không quên thêm thắt những chi tiết sáng tạo của cá nhân vào thì đây lại là một hành động rất nên khuyến khích.
Nó giống như việc lặp đi lặp lại một điều bất thường và dần chấp nhận nó như một điều bình thường, từ đó biến thành thói quen xấu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai các con sau này, khi thế giới sẽ không có chỗ cho những cá nhân thiếu sáng tạo, tư duy máy móc và không dám bứt phá ra khỏi vòng an toàn của mình.
Đồng hành cùng con trẻ kiến tạo tương lai với lối hành xử văn minh!
Qua Trại hè Lập trình với Chủ đề Introduction to Programming with Scratch, STEAM for Vietnam mong các phụ huynh có thể dành thời gian trò chuyện và tìm hiểu về các sản phẩm của con sau khi hoàn thành. Bằng cách trở thành một thính giả và khuyến khích con trình bày thành quả với mình. Trở thành một “người hâm mộ”, động viên tinh thần cho con. Quan trọng là trở thành một người bạn thân quan tâm đến sản phẩm của con, để con yên tâm chia sẻ phần nào là của mình tự nghĩ, phần nào là tham khảo một cách tự tin mà không ngượng ngùng. Với các tiếp cận nhẹ nhàng và tình cảm của phụ huynh, chắc chắn các con sẽ hiểu được sự thành thật và tôn trọng chất xám của người khác là một tinh thần dũng cảm đáng quý.
Cụ thể, trong mỗi phần giới thiệu sản phẩm luôn có phần “Chú thích và dẫn nguồn” để khuyến khích các con chia sẻ về thành quả của mình. Phụ huynh có thể hướng dẫn con thể hiện sự tôn trọng tác giả gốc bằng cách trích dẫn, cảm ơn người đã tạo ra phiên bản gốc và giới thiệu những sáng tạo bản thân đã thêm vào.
Chỉ 5–10 năm nữa thôi, các con có thể sẽ trở thành những công dân toàn cầu, làm việc và phát triển ở bất cứ đâu trên thế giới. Hơn cả những kiến thức mà các con tích lũy được, để tồn tại và cạnh tranh công bằng, các con cần được trang bị cả những kĩ năng sống và lối hành xử văn minh. Để giúp các con vững hành trang cho tương lai, STEAM for Vietnam hy vọng các vị phụ huynh sẽ trở thành “bạn đồng hành” bên cạnh các con và cùng các con tích lũy thêm nhiều bài học ý nghĩa nữa nhé!
— — —
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
📧Email: hello@steamforvietnam.org
🌐Website: www.steamforvietnam.org
📺YouTube: http://bit.ly/S4V_YT
🌐Zalo: Zalo Official