Nhà vật lý đại tài Stephen Hawking đã từng nói:
“ Cho dù bạn muốn khám phá những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ hay đơn giản chỉ muốn theo đuổi sự nghiệp trong thế kỷ 21 thì lập trình máy tính cơ bản, vẫn là một kỹ năng thiết yếu phải học ”
Trên thực tế, một báo cáo của Burning Glassdoor Technologies đã chỉ ra rằng:
Trong bảy triệu cơ hội việc làm từ năm 2014–2016 thì các công việc yêu cầu kỹ năng lập trình máy tính phải trả thêm 22 ngàn đô mỗi năm cho nhân viên so với công việc không yêu cầu. Đồng thời, tỷ lệ các vị trí yêu cầu khả năng lập trình từ người xin việc đang tăng nhanh hơn 50% so với thị trường chung; không chỉ riêng với công việc công nghệ, mà ngay cả đối với các công việc phi công nghệ.
Điều này cho thấy, kỹ năng lập trình sẽ trở thành điểm cộng cho quá trình xin việc cũng như là lợi thế quan trọng để giúp trẻ theo đuổi ngành nghề lý tưởng của mình trong tương lai. Sau đây, hãy cùng STEAM for Vietnam điểm qua 4 ngành nghề tưởng chừng không hề liên quan đến công nghệ nhưng lại dễ dàng thăng tiến nếu có thêm kỹ năng lập trình nhé!
1. Thiết Kế Thời Trang
Như câu nói của nhà thiết kế Francis Bionti :“Tương lai ngành thời tranh là lập trình, không phải may đo cao cấp.”
Sự phát triển của ngành thời trang đồng nghĩa với sự phát triển tính ứng dụng của thời trang vào cuộc sống. Sự giao thoa giữa công nghệ và thời trang tạo ra một xu hướng mới, gọi là “wearable technology” (sản phẩm công nghệ có thể đeo/mặc được). Mỗi món đồ không chỉ mang giá trị làm đẹp mà còn phải có tác dụng thiết thực riêng, ví dụ như Apple Watch hay Google Glass, ngoài là một phụ kiện thời trang chúng còn được lập trình để hỗ trợ đo nhịp tim hay lên kế hoạch làm việc phù hợp với chủ nhân.
Một ví dụ khác, Kye Shimizu, nhà thiết kế công nghệ người Nhật đã sử dụng code và phần mềm công nghệ quét 3D để tạo ra mẫu quần áo 2D tối ưu hóa việc không tạo ra vải thừa khi cắt. Từ đó, giúp giảm thiểu tối đa năng lượng và rác thải trong quá trình sản xuất. Năm 2018, dự án này đã được vinh danh tại hạng mục Giải thưởng bình chọn từ BGK tại Wired Creative Hack Award.
2. Kỹ Sư
Đối với kỹ sư, kiến thức về lập trình có thể hỗ trợ để giảm bớt thời gian cho các công việc tính toán và phân tích. Đặc biệt là kỹ sư cơ khí, kỹ sư dân dụng và kỹ thuật viên kỹ thuật, họ thường sử dụng lập trình để thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm mới.
Có các công cụ hay phần mềm chung được sử dụng trong toàn ngành, nhưng mỗi dự án thường có những yêu cầu cụ thể. Kỹ sư biết về lập trình có thể thiết kế công cụ riêng, giúp công việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong các tính toán quan trọng của dự án, một sai lầm nhỏ cũng có thể gây tổn thất lớn. Có kiến thức lập trình để tạo ra một tùy chọn, nhằm kiểm tra lại từ 2–3 lần cho các tính toán này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trên.
3. Chuyên Viên Phân Tích
Nói đến ngành nghề liên quan đến kinh tế, các chuyên viên phân tích kinh doanh, nhà phân tích tài chính và nhà phân tích dữ liệu sử dụng lập trình máy tính để phân tích con số và giải quyết các vấn đề trong kinh doanh, tài chính. Các tác vụ mã hóa phổ biến bao gồm ước tính số tiền mà một công ty sẽ kiếm được hoặc xác định số lượng một mặt hàng cụ thể mà một cửa hàng nên đặt trên kệ.
4. Marketing
Có thể thấy marketing và digital marketing mở rộng phụ thuộc vào cách người dùng phản ứng với các nội dung marketing. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mà một lượng lớn tương tác của người tiêu dùng diễn ra trên mạng. Vì thế, để kiểm soát luồng dữ liệu này một cách hiệu quả, các chuyên gia có thể dựa vào lập trình để thiết kế công cụ giúp hiểu rõ hơn các hoạt động “online” của người dùng.
Có kiến thức về cách người dùng phản ứng với từng nội dung ra sao sẽ giúp dự đoán được nhu cầu tiêu dùng trong tương lai, tạo cho nhà tiếp thị một nguồn tài nguyên lớn để đi trước số đông.
Tất nhiên, ngoài 4 ngành nghề trên vẫn còn rất nhiều công việc mà kỹ năng lập trình luôn có “đất dụng võ”. Tiêu biểu như kế toán, thiết kế đồ hoạ, hoá mỹ phẩm, khoa học môi trường, nghiên cứu y tế, v.v. Đó cũng là lý do ra đời của những sản phẩm như Smart coat từ hãng Emel + Aris — chiếc áo có thể điều chỉnh thân nhiệt và làm tăng khả năng lưu thông máu của người mặc hay My UV Patch từ hãng mỹ phẩm L’oreal — miếng lót dính vào da cho phép theo dõi mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Kết Luận:
Lập trình chính là một kỹ năng sống còn cho các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau và cũng là lá chắn để bảo vệ họ trước nguy cơ bị công nghệ hay máy móc thay thế. Vì lẽ đó, cho trẻ tiếp xúc sớm với lập trình chắc chắn là một quyết định sáng suốt và cần thiết. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc giáo dục về lập trình vẫn còn tương đối mới mẻ, hạn chế.
Hiểu được khó khăn đó, STEAM for Vietnam mong muốn được truyền tải “ngôn ngữ của tương lai” này đến thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch và ngôn ngữ Python — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt.
Link đăng ký tham gia khoá học hè: https://tinyurl.com/S4VSummer2021
Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Summer Coding Bootcamp 2021:
Facebook: https://www.facebook.com/steamforvietnam.org
Email: hello@steamforvietnam.org
Website: https://www.steamforvietnam.org
Các Nguồn Tham Khảo:
Five careeres where coding skills will help your kids get ahead
Non tech positions requiring coding
4 ngành nghề thăng tiến nhanh khi có thêm kỹ năng lập trình