Chuyên mục
Train The Trainers

Bắt nhịp Giáo Dục 4.0: Chìa khóa vươn tầm thế giới

Giáo dục đang thay đổi mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của công nghệ. Hãy tưởng tượng một lớp học khác biệt hoàn toàn so với những gì chúng ta từng biết. Thay vì gò bó trong bốn bức tường, những học sinh ở đây được trải nghiệm thế giới tri thức rộng mở và đầy ắp trải nghiệm. STEAM for Vietnam muốn giới thiệu 4 số xu hướng mới đang góp phần định hình cách thức học tập và giảng dạy hiện nay.

Giáo dục đang thay đổi mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của công nghệ.

Hãy tưởng tượng một lớp học khác biệt hoàn toàn so với những gì chúng ta từng biết. Thay vì gò bó trong bốn bức tường, những học sinh ở đây được trải nghiệm thế giới tri thức rộng mở và đầy ắp trải nghiệm. Đó là một lớp học sôi nổi với những video minh họa sự chuyển động của vũ trụ, các trò chơi lý thú về triều đại lịch sử hay gia sư AI luôn sẵn sàng trợ giúp khi học sinh “nghĩ mãi không ra” ở một câu toán khó.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục để bắt kịp xu hướng mới đang gặp nhiều thách thức, bao gồm khả năng tiếp cận công nghệ và internet không đồng đều, cũng như sự cần thiết phải có chương trình đào tạo phù hợp cho giáo viên.

Bởi vậy, STEAM for Vietnam muốn giới thiệu một số xu hướng mới đang góp phần định hình cách thức học tập và giảng dạy hiện nay. Qua đó, bài viết này sẽ mang đến một góc nhìn toàn diện cho thầy cô, học sinh và phụ huynh về sự thay đổi của giáo dục dưới ảnh hưởng của thời đại công nghệ và kỹ thuật số

1. Vừa học vừa chơi (Gamification): Áp dụng công nghệ trong lớp học để tăng tính tương tác:

Khó có thể phủ nhận, sách giáo khoa truyền thống đang tồn tại một số hạn chế trong tính tương tác với học sinh. Tuy nhiên hạn chế này đang được bổ sung bằng các phương pháp tiếp cận sáng tạo như Gamification hay Xu hướng game hóa. Điểm, huy hiệu và bảng xếp hạng – những yếu tố quen thuộc trong thế giới trò chơi – giờ đây được ứng dụng vào việc học tập, tạo nên môi trường học tập hấp dẫn, tương tác và thúc đẩy học sinh chinh phục thử thách. Học tập không còn là gánh nặng mà trở thành hành trình chinh phục những thử thách thú vị, nơi mỗi học sinh đều là người chiến thắng!

Điều này lý giải cho sự ra đời và ngày càng phổ biến của các ứng dụng trò chơi hỗ trợ học tập như Duolingo, Kahoot, Quizizz… Các ứng dụng này đang được đưa vào sử dụng trong lớp học như một công cụ hỗ trợ giảng dạy hiệu quả. 

Bắt kịp xu hướng, trong năm 2023, STEAM for Vietnam lần đầu triển khai chương trình Train the Trainer với mục tiêu giúp các giáo viên ứng dụng tư duy máy tính vào thiết kế bài giảng thông qua thành thục ứng dụng Scratch. Thông qua khóa học này, giáo viên đã có thể xây dựng những dự án cá nhân tích hợp kiến thức và trò chơi vào môn học.

Dự án cá nhân “Miu đi tìm cá” trong chương trình Train The Trainer 2023 của thầy Sơn Quốc Hòa: ứng dụng công cụ Scratch để tạo trò chơi trong lớp học với môn Tiếng Anh

2. “Tự trang bị thiết bị công nghệ của riêng bạn” (BYOD): Tích hợp các thiết bị cá nhân:

Học sinh ngày nay có thể sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh cho mục đích học tập, biến lớp học thành không gian tương tác và sinh động. Ứng dụng, mô phỏng và thực tế ảo giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho thấy việc mang thiết bị cá nhân đến lớp có tác động tích cực đến việc học tập của học sinh. Điểm kiểm tra, chất lượng bài tập và điểm cuối kỳ đều được cải thiện. Học sinh cũng trở nên năng động, hăng hái và tham gia vào lớp học nhiều hơn.

Kết quả từ bảng 1 chỉ ra rằng nhóm thử nghiệm hay nhóm BYOD  (bên phải) vượt trội hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (bên trái) trong bài kiểm tra 1 và bài kiểm tra 2 cũng như bài kiểm tra cuối kỳ.

3. Học tập đoạn nhỏ (Bite-Sized learning): Hướng dẫn tập trung để ghi nhớ tối ưu

Nhận thức được những hạn chế của khoảng tập trung (attention span) ngắn, các phương pháp giáo dục đang chuyển sang hướng học tập vừa phải. Điều này liên quan đến việc chia nhỏ các khái niệm phức tạp thành các mô-đun ngắn gọn, dễ quản lý. Các bài giảng được điều chỉnh theo hướng vi mô và súc tích, hấp dẫn sẽ thay thế các bài thuyết trình dài dòng. Từ đó, cho phép sinh viên ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn.

Một số mô hình học tập quen thuộc đang dần trở thành trào lưu như Mô -đun khóa học nhỏ cung cấp các khóa học ngắn hạn dưới hình thức trực tuyến, podcast giáo dục, các video khoa học dưới dạng giải thích hoặc đơn giản là một bài blog tổng hợp kiến thức. 

Các blog của STEAM for Vietnam triển khai với xu hướng Học tập đoạn nhỏ như một tài liệu tham khảo ngắn, nhanh và hiệu quả cho các thầy cô và học sinh trong quá trình học tập.

4. Trí tuệ nhân tạo (AI): Tương lai của chuyển đổi học tập

Hãy tưởng tượng một thế giới giáo dục, nơi mỗi học sinh đều được học tập theo tốc độ và phong cách riêng của mình, được hỗ trợ bởi những trợ lý thông minh và nội dung học tập được cá nhân hóa. Đó chính là viễn cảnh mà AI mang đến cho nền giáo dục tương lai.

  • Tập trung vào cá nhân hóa: Chức năng cốt lõi của AI trong giáo dục là cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Điều này phù hợp với xu hướng thoát khỏi nền giáo dục “một kích cỡ phù hợp cho tất cả”. Bằng các thuật toán đánh giá quá trình học tập và tư duy của từng học sinh, AI có thể thiết kế lộ trình học tập, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm học tập bằng cách cung cấp thông tin ở nhiều hình thức khác nhau. 
  • Đa dạng phương thức học tập: AI sẽ mang đến cho học sinh nhiều phương pháp học tập đa dạng như hình ảnh, video, âm thanh, trò chơi tương tác, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách hứng thú và hiệu quả hơn.

AI không chỉ thay đổi cách học mà còn nâng cao hiệu quả học tập:

  • Gia sư AI: Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên, học sinh có thể nhờ đến sự trợ giúp của gia sư AI để giải đáp thắc mắc, luyện tập bài tập và củng cố kiến thức bất cứ lúc nào.
  • Phản hồi tự động: AI sẽ tự động đánh giá bài tập, bài kiểm tra và cung cấp phản hồi chi tiết, giúp học sinh nhanh chóng nhận ra điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả học tập.

Thời đại công nghệ tiên tiến đang đến gần, đặt ra yêu cầu cho phụ huynh, học sinh và thầy cô về khả năng nhanh nhạy và nắm bắt những xu hướng giáo dục mới. Đây là thách thức và cũng đồng thời là cơ hội để các thế hệ Gen-tech, Gen-AI nắm bắt được chìa khóa vận hành thế giới mới. 

Với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ và AI vào giáo dục, STEAM for Vietnam sẽ tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo Train-the-Trainers 2024 vào mùa hè này. Nối tiếp thành công của Train the Trainer 2023, chương trình năm nay hứa hẹn mang đến chuỗi hoạt động đào tạo giáo viên tiền tuyến chuyên sâu, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt trong chương trình năm nay, các thầy cô không chỉ được tìm hiểu về Tư duy máy tính, cách ứng dụng tư duy vào giảng dạy với một ví dụ cụ thể là công cụ Scratch mà còn được tìm hiểu về AI – tương lai của giáo dục. 

Người viết: Đỗ Thị Ngọc Linh

Train the Trainer 2024 tiếp tục nối tiếp Train the trainer 2023 mang đến một chương trình đào tạo giáo viên với các bài học về Tư duy máy tính, cách ứng dụng tư duy máy tính vào giảng dạy và đặc biệt là AI và các chuyên đề về dạy học.

— — —

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

— — —

📧Email: hello@steamforvietnam.org

🌐Website: www.steamforvietnam.org

🌐Fanpage: STEAM for Vietnam

📺YouTube: http://bit.ly/S4V_YT

🌐Zalo: Zalo Official

📍Donation: https://www.steamforvietnam.org/donation

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *