Chuyên mục
Khám phá Train The Trainers

TƯ DUY MÁY TÍNH – “Siêu Năng Lực” Cho Cuộc Sống “Tất Bật”

Bạn có bao giờ cảm thấy choáng ngợp trước vô số việc cần làm và không biết bắt đầu từ đâu? Những buổi dã ngoại thường xuyên biến thành thảm họa vì thiếu sót đồ dùng cần thiết? Đừng lo lắng, bí kíp giúp bạn giải quyết mọi vấn đề một cách khoa học và hiệu quả chính là Tư duy máy tính – “siêu năng lực” của thế kỷ 21 mà ai cũng có thể sở hữu!

Theo Giáo sư Jeannette M. Wing (nguyên Trưởng khoa Khoa học Máy tính của Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ), Tư duy máy tính (Computational Thinking) là khả năng giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và hiệu quả bằng cách chia nhỏ vấn đề thành các bước nhỏ và dễ quản lý hơn. 

Nghe có vẻ “cao siêu”, nhưng tư duy máy tính thực chất vô cùng gần gũi và dễ áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như việc lên kế hoạch cho chuyến đi dã ngoại hay nấu một món ăn ngon đúng điệu.

Tư duy máy tính trong cuộc sống

Trước tiên, hãy cùng STEAM for Vietnam học cách áp dụng Tư duy máy tính qua 4 bước đơn giản vào việc dọn dẹp phòng ốc nhé:

Bước 1: Tách nhỏ vấn đề (Decomposition)

Hãy “phân tách” mọi vấn đề phức tạp thành những phần nhỏ, quen thuộc và dễ dàng giải quyết hơn. Điều này sẽ giúp bạn nhận diện rõ ràng hơn vấn đề của mình.

Chẳng hạn để hoàn thành công việc dọn phòng, bạn cần phải làm những công việc nhỏ hơn như: gấp quần áo, dọn bàn học, hay lau sàn. Tiếp tục, chúng ta vẫn có thể tách chi tiết hơn việc dọn bàn thành: sắp xếp sách, đồ dùng học tập, vật dụng cá nhân, v.v. 

Việc “tách lớn ra nhỏ” không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan mà đồng thời cũng giảm bớt áp lực khi nhìn một vấn đề quá lớn và phức tạp. Trong trường hợp này, hãy chuẩn bị một cây bút với mẫu giấy để dễ dàng liệt kê và không bỏ sót ý nào bạn nhé.

Bước 2: Tìm điểm chung (Pattern Recognition)

Ở bước này, chúng ta “tìm kiếm” những đặc điểm hoặc tính chất chung trong các công việc. Trước khi dọn dẹp, hãy lướt xung quanh phòng một lần và dán nhãn trong tưởng tượng: vật nào là sách, vật nào là đồ dùng học tập, vật nào là vật dụng cá nhân, v.v.

Bước 3: Nhìn (Abstraction)

Sau đó, bạn chắt lọc thông tin đã thu thập được ở bước trước. Hãy bỏ qua những thông tin rườm rà, và giữ lại yếu tố cốt lõi để có được cái nhìn tổng quan và bao quát về vấn đề.  Nhờ vậy, bạn có thể rút ra kinh nghiệm và áp dụng cho những tình huống tương tự trong tương lai.

Sau khi dán nhãn trong tưởng tượng, hãy sắp xếp theo nhóm (sách, đồ dùng học tập, vật dụng cá nhân, v.v.). Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng di chuyển và lau chùi hơn. 

Bằng cách sử dụng quy tắc “giống nhau – để chung” cho tất cả các khu vực trong phòng, bạn có thể nhanh chóng hoàn thành công việc dọn dẹp, và ngoài ra, còn giúp cho việc tìm kiếm đồ dùng trở nên dễ dàng hơn.

Bước 4: Viết (Algorithm)

Hoàn thiện quá trình bằng cách “viết” ra các bước thực hiện một cách logic và khoa học. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ và áp dụng cho bất kỳ vấn đề nào.

Cùng xem qua danh sách việc cần làm nhé:

  1. Chuẩn bị dụng cụ dọn dẹp: giẻ lau, chổi, thùng rác.
  2. Phân chia khu vực dọn dẹp: bàn học, giường ngủ, tủ quần áo.
  3. Dọn dẹp từng phần theo thứ tự đã liệt kê.
    • Sắp xếp tập sách theo môn học.
    • Trải nệm và xếp gối.
    • Gấp quần áo và xếp theo mục đích.
    • Quét và lau sàn.
  4. Cất dọn dụng cụ dọn dẹp.

Cùng STEAM for Vietnam, bạn đã áp dụng thành công “siêu năng lực” Tư duy máy tính trong chính cuộc sống hằng ngày. 

Chưa dừng lại ở đó! Mùa hè đã đến, tại sao chúng ta không tổ chức một buổi dã ngoại nhỉ. Hãy cùng nhau vận dụng kỹ năng vừa học để chuẩn bị cho chuyến đi nào!

Bánh mì – Chuẩn bị món ngon khi dã ngoại với Tư duy máy tính

“Vì mình luôn có một chiếc bụng đói”, bụng đói để ăn được hết tất cả bánh mì của bạn!

Hãy cùng nhờ Tư duy máy tính giúp chuẩn bị nhanh chóng món Bánh mì nhé!

Bước 1 – Tách nhỏ vấn đề: Phân chia công việc thành các công đoạn nhỏ.

  • Mua nguyên liệu
  • Sơ chế nguyên liệu.
  • Làm bánh mì.
  • Dọn dẹp.

Bước 2 – Tìm điểm chung: Tuy bánh mì có nhiều loại khác nhau, chúng ta luôn có 4 thành phần chính: vỏ bánh mì, rau, nhân bánh mì và nước sốt.

Bước 3 – Nhìn: Từ 4 thành phần chung ở bước 2, chúng ta có thể làm ra nhiều loại bánh mì với các loại nhân và nước sốt khác nhau.

 Bước 4 – Viết: Chúng ta sẽ viết ra từng bước làm và phân công người phụ trách, như ai sẽ chuẩn bị nhân bánh, ai sẽ phết bơ và ai sẽ kẹp bánh mì.

Đóng gói đồ cho chuyến picnic thôi!

Gọi cậu là điện thoại vì lúc nào tớ cũng mang theo.
Gọi cậu là nước vì không có cậu, tớ sẽ rất khát (khác).
Gọi cậu là bánh mì vừa chuẩn bị, vì nếu thiếu, tớ sẽ cảm thấy cồn cào.
Quá nhiều thứ cần mang theo, chúng ta phải làm sao đây? 

Hãy để Tư duy máy tính một lần nữa ra tay nhé!

Bước 1 – Tách nhỏ vấn đề: Liệt kê các đồ dùng cần thiết cho buổi dã ngoại.

Bước 2 – Tìm điểm chung: Hãy đề xuất một số tiêu chí và mục đích để phân loại các đồ dùng từ danh sách.

Bước 3 – Nhìn: Từ đó, chọn các vật dụng cần thiết được ưu tiên mang theo.

Bước 4 – Viết: Thực hiện từng bước từ lên danh sách, phân loại tiêu chí và chọn lọc ra các vật dụng cần cho chuyến dã ngoại. 

Cuối cùng, soạn đồ thôi!

Qua hành trình chuẩn bị cho chuyến dã ngoại , chúng ta thấy được tư duy máy tính là sự thay đổi trong tư duy, và việc rèn luyện không chỉ là trong chuyên môn mà còn có thể thực hành trong cuộc sống hằng ngày. 

Thấu hiểu sự cần thiết của việc tìm hiểu về tư duy máy tính và AI, STEAM for Vietnam sẽ triển khai chương trình đào tạo Train the Trainer 2024, nối tiếp sự thành công của Train the Trainer 2023 để tiếp tục mang đến chuỗi hoạt động đào tạo giáo viên tiền phương nhằm nâng cao chuyên môn giảng dạy. Đặc biệt trong chương trình năm nay, các thầy cô không chỉ được tìm hiểu về Tư duy máy tính, cách ứng dụng tư duy vào giảng dạy với một ví dụ cụ thể là công cụ Scratch mà còn được tìm hiểu về AI – tương lai của giáo dục. 

Train the Trainer 2024 tiếp tục nối tiếp Train the Trainer 2023 mang đến một chương trình đào tạo giáo viên với các bài học về Tư duy máy tính, cách ứng dụng tư duy máy tính vào giảng dạy và đặc biệt là AI và các chuyên đề về dạy học.

Người viết: Phạm Hữu Phúc

— — —

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

— — —

📧 Email: hello@steamforvietnam.org

🌐 Website: www.steamforvietnam.org

🌐 Fanpage: STEAM for Vietnam

📺 YouTube: http://bit.ly/S4V_YT

🌐 Zalo: Zalo Official

📍Donation: https://www.steamforvietnam.org/donation  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *