Chuyên mục
Khám phá Train The Trainers

Học tập hợp tác cùng trợ giảng AI: Mô hình mới giúp giáo viên tự chủ – sáng tạo – để chung tay kiến tạo giáo dục 4.0

Để giúp các thầy cô trên chặng đường đó, Train the Trainers 2024 không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nền tảng và bổ trợ kiến thức qua khóa học ngắn hạn. Khoá học 2024 còn tăng cường gắn kết và trao đổi chuyên môn dài lâu qua mô hình học tập hợp tác (Cooperative learning). 

Đây là hoạt động khuyến khích giáo viên chủ động trong quá trình tiếp cận thông tin, đồng thời tiên phong sáng tạo ứng dụng, và lan tỏa tri thức tới cộng đồng, để những giá trị ấy ngày càng được nhân rộng. 

Mô hình học tập hợp tác trước nhất được thí điểm trong chuỗi Sinh hoạt chuyên môn giữa 24 giáo viên đại sứ. Sau đó STEAM for Vietnam sẽ dần hoàn thiện và chia sẻ tới hơn 5,000 giáo viên tham gia chương trình. 

Dù diễn ra vào khung giờ đặc biệt – khi trời đã chập chờn tối, nhưng những buổi họp mặt trực tuyến luôn rộn rã tiếng cười, sự thích thú, hào hứng khi tiếp cận kiến thức mới. Hãy cùng STEAM for Vietnam điểm lại chuỗi Sinh Hoạt Chuyên Môn luôn đầy ắp đam mê và tiếng cười.

# 1: Đồng hành: Cộng đồng giàu trải nghiệm, chia sẻ làm giàu kiến thức và tương trợ mỗi khi gặp khó khăn

Cho đến nay, các Giáo viên đại sứ đã tổ chức thành công 4 buổi Sinh hoạt chuyên môn xoay quanh các công cụ AI khác nhau – phục vụ đa mục đích từ soạn giảng, tổ chức hoạt động, đến kiểm tra, đánh giá. Mỗi buổi chia sẻ sẽ bao hàm nền tảng lý thuyết và ứng dụng thực hành, từ mức độ căn bản đến nâng cao. 

Người thầy cô giáo xung phong đứng lớp không chỉ giữ vai trò điều phối, truyền đạt kiến thức, mà còn thực hành song song, bảo đảm mọi thành viên tham gia đều có thể áp dụng ngay những công cụ ấy vào thực tiễn. Ngoài ra, sau mỗi buổi sinh hoạt, thầy cô còn cùng nhau thi đua trong một thử thách nhỏ để thỏa sức mở rộng, nâng cao.

AI là chìa khóa vạn năng: Khám phá ứng dụng GenAI trong lớp học

Ở buổi vỡ lòng, cô Nguyễn Kim Ngân, thủ lĩnh của nhóm Giáo viên đại sứ, đã giới thiệu đến các thầy cô “vòng quay AI” diệu kỳ, với hơn 120 công cụ khác nhau, gồm 4 tính năng chính, từ tạo bài giảng, đánh giá học sinh, đến hỗ trợ và quản lý học tập. 

Từ đó, cô tổng hợp và chia sẻ đến các thầy cô những công cụ phổ biến nhất, từ trả lời câu hỏi nói chung (Chat GPT, Gemini, Claude, v.v.), đến những công cụ AI sáng tạo, chuyển văn bản thành hình ảnh (Microsoft Bing, Leonardo, Midjourney, v.v.), giọng nói (Vbee, Text to speech free, elevenlabs, v.v), video (D-ID, Fliki.ai, Steve AI, v.v.) giúp bài giảng trở nên sống động, gần gũi hơn với học trò. 

Ngoài ra, cô Ngân còn ứng dụng AI vào tạo trò chơi kiểm tra kiến thức (Quizlet Q-Chat, Quizizz AI, v.v.) và hỗ trợ thuyết trình, thu âm bài giảng một cách tiện lợi và nhanh chóng (Wordtune, Grammarly, Gamma, v.v.). Sự đam mê, ân cần, cùng hiểu biết sâu rộng của cô giáo Địa lý ấy đã cho các thầy cô thấy được sức mạnh vạn năng của AI.

Đa dạng và đầy màu sắc là vậy, nhưng cô Ngân cũng chọn lọc những công cụ đa năng, phổ biến nhất để kết hợp hài hòa với nhau. Cụ thể, chỉ với 3 công cụ miễn phí rất quen thuộc như Chat GPT, Gamma, và Copilot, giáo viên có thể tạo ra một bài giảng hoàn chỉnh, từ việc soạn thảo nội dung dựa trên chủ đề sẵn có, tạo tài liệu trình chiếu với hình ảnh minh họa và biểu đồ tương ứng, và cá nhân hóa hình ảnh cho phù hợp. 

Ngoài ra, cô cũng chỉ ra cách để tùy chỉnh câu trả lời của Chat GPT, để cá nhân hóa mức độ hiểu biết và cách trả lời, khi ấn vào hình đại diện của tài khoản. Lời khuyên này có thể giúp ích cho việc học song ngữ, khi điều chỉnh câu trả lời dạng bảng Anh – Việt xuyên suốt các câu lệnh.

AI giúp mở mang tầm mắt: Nhận dạng hình ảnh và đối tượng với AI

Trong khi buổi 1 mang tính bao quát, các buổi sinh hoạt sau đi sâu vào một khía cạnh riêng của AI trong thực tế giảng dạy. Thầy Nguyễn Thanh Phụng và thầy Phạm Tiến Quảng đã lần lượt mang đến một “góc nhìn” mới cho hai tíng năng của AI: “Nhận diện hình ảnh” và “Nhận diện đối tượng”.

Bằng mở đầu dí dỏm và hóm hỉnh, thầy Phụng truyền đạt cách giúp máy học nhận diện hình ảnh mà không cần code với ứng dụng Pictoblox. Cụ thể, chỉ với 2 tệp tin được chuẩn bị trước, gồm 20 hình ảnh chó và 20 hình ảnh mèo riêng biệt, thầy cô có thể tạo dự án nhận diện hình ảnh. Tiếp đó, thầy tích hợp dự án học máy này vào một trò chơi nhỏ, giúp linh vật của Pictoblox nêu định dạng của một tệp hình ảnh chó mèo mới trên hình nền chuyển động phía sau, tạo thành một video ngắn vui nhộn, lý thú. 

Tiếp nối chủ đề này, thầy Quảng đã mở rộng chủ đề nhận diện hình ảnh đến nhận diện đối tượng trong thực tế. Sử dụng Scratch, thầy Quảng giới thiệu ứng dụng cảm biến mặt, giúp tạo filter và chơi trò chơi tương tác, hay tạo được những bản nhạc vui tai như trong Kandinsky Musiclab, và nhận diện cảm xúc trên Personal Image Classifier

Để khai phá thêm thư viện dự án học máy, thầy Quảng gợi ý trang Machine Learning for Kids, giúp thầy cô bắt đầu với những dự án đơn giản mà thiết thực trong hoạt động với học sinh. 

Ngoài ứng dụng trên lớp, nhận diện đối tượng còn được áp dụng vào những dự án cộng đồng hết sức ý nghĩa, như thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng, dự báo thời gian thu hoạch, và phân biệt để phân loại rác vô cơ, hữu cơ.

AI giúp thiên biến vạn hóa: Ứng dụng bộ công cụ AI chuyên biệt trong giảng dạy

Ứng dụng AI trong giảng dạy còn được nhiệm màu hóa với thầy Sơn Quốc Hòa và thầy Nguyễn Duy Tân tại buổi sinh hoạt số 4, qua ứng dụng AI Magic School. Đây là một nền tảng tích hợp hơn 60 công cụ khác nhau, chuyên dụng cho giáo viên và học sinh. Không chỉ giúp giáo viên chuẩn bị bài giảng, công cụ này còn giúp người thầy cô lắng nghe sở thích và sở trường của các em với phương châm “để học sinh làm chủ việc học”.

Phục vụ xuyên suốt quá trình từ soạn giảng, tổ chức hoạt động, đến kiểm tra – đánh giá, thầy Tân đã phổ cập 3 công cụ tâm đắc, bao gồm: Soạn giáo án (Lesson plan), Tạo bảng hỏi từ video YouTube (YouTube video questions), và Tạo bài kiểm tra trắc nghiệm (Multiple choice assessments). 

Với mỗi công cụ, thầy cô chỉ cần điền một số thông tin vào trường có sẵn, như khối học giảng dạy, chủ đề, tiêu chí, chuẩn quốc tế, và các đường dẫn tương ứng để hoàn thành. Công cụ đơn giản này giúp cụ thể hóa và cải tiến ứng dụng AI trong giảng dạy, ngay cả với những thầy cô còn mới với lĩnh vực này.

Nhằm góp phần cá nhân hóa quy trình tự học, tự đánh giá, tự cải thiện của học sinh, thầy Hòa cũng phổ cập thêm 2 công cụ là: Tạo phiếu tự đánh giá (Rubric generator) và Tạo bảng lựa chọn hoạt động (Choice board UDL). 

Công cụ đầu tiên được áp dụng hiệu quả vào đánh giá đồng học (Peer assessment), giúp học sinh tự đánh giá và hoàn thiện hơn dự án tốt hơn. Với công cụ thứ hai, giáo viên có thể biến mọi tiết học thành học tập ứng dụng – vừa thú vị, lại rất đa sắc màu, giúp các em phát huy tiềm năng và hứng thú với môn học. Chẳng ai nghĩ một chủ đề mang tính trang nghiêm như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lại được hiện thực hóa dưới những hình thức rất mới, rất hiện đại như Podcast, truyện tranh, bài hát hoặc bài thơ, mà vẫn tôn vinh khía cạnh lịch sử hào hùng, đầy tự hào của ông cha ta.

# 2: Đồng cảm: Cộng đồng đa dạng, cởi mở, và bao dung, sẵn sàng lắng nghe và khuyến khích chia sẻ ý kiến

Ở chuỗi Sinh hoạt Chuyên môn giữa các Giáo viên đại sứ, các buổi chia sẻ sẽ diễn ra theo tuần, nơi các giáo viên xoay vòng để đóng góp về ứng dụng tâm đắc nhất tới các thành viên khác. 

Với các thầy cô đến từ nhiều cấp học, môn học, mô hình trường học, và trình độ tiếp cận công nghệ khác nhau, người tham gia được xây dựng kiến thức đa chiều và ống kính phản biện về ứng dụng của AI trong thực tiễn. Ở đây, STEAM for Vietnam sẽ đóng vai trò là cầu nối để cộng đồng giáo viên được hội ngộ và sát lại gần nhau bởi chung lòng yêu nghề, ham học hỏi, ham truyền đạt kiến thức.

Đây chính là mô hình học tập hợp tác (Cooperative learning) – phương pháp học tập mà người học sẽ làm việc theo nhóm để tìm hiểu, chia sẻ và trao đổi kiến thức nhằm đạt được mục tiêu chung, dưới sự dìu dắt của người hướng dẫn, ở đây, là những giáo viên đại sứ xung phong đứng lớp. 

Khác với mô hình học tập cộng tác (Collaborative learning), người tham gia sẽ tự hình thành nội dung thay vì thảo luận dựa trên nội dung sẵn có, đề cao sự sáng tạo để đạt được mục tiêu đề ra, trong khuôn khổ của chủ đề cho trước. Ngoài ra, mô hình này sẽ chính quy và có tổ chức hơn mô hình học tập cộng tác, giúp hưởng lợi từ sự phụ thuộc tích cực, nhưng vẫn giữ được tính độc lập và tôn vinh đóng góp cá nhân. 

Để nối rộng hơn vòng tay ấy, đầu mỗi buổi sinh hoạt, các thầy cô đều có một hoạt động kết nối yêu thương nho nhỏ để khởi động và khích lệ tinh thần cởi mở, đoàn kết – như hát karaoke, hòa mình vào trò chơi vui vẻ tạo bởi AI, hay những hoạt động trải lòng đầy sâu lắng. Để rồi giữa cộng đồng đa dạng ấy không còn khoảng cách nào, mà như một gia đình, nơi họ không chỉ học hỏi kiến thức mà còn tự do, thoải mái chia sẻ truyện làm nghề, cùng những niềm vui, trăn trở với nhau.

# 3: Đồng lòng: Cộng đồng có tâm, có tầm cùng kết nối, học hỏi để chung tay vững bước đường dài

Trong tương lai, mô hình này sẽ được phát triển và mở rộng tới hơn 5,000 giáo viên tham gia khóa học. Ngoài việc truyền tải trực tiếp qua các buổi họp mặt, hội thảo trên Zoom và Discord, những tài liệu và kiến thức liên quan cũng sẽ được lưu lại trong kênh chia sẻ tài nguyên, dưới dạng phỏng vấn độc quyền hoặc tin vắn, để mọi người đều có thể tiếp thu và cảm thụ. Ngoài ra, các thầy cô còn chia sẻ rộng khắp những ứng dụng mới mẻ và khóa học hữu ích về AI, bố ích để cộng đồng cùng trải nghiệm, và làm giàu hơn thư viện tri thức của mình.

Trên hết, các giáo viên còn được mang những kiến thức ấy vào thực hành, qua những thử thách từ chuỗi sinh hoạt chuyên môn, để nhận về mình những phần quà thật ý nghĩa. Thử thách đầu tiên về ứng dụng AI Magic School đã tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự tham gia đông đảo. Nhưng hơn thế là ứng dụng đột phá, vào những bài giảng hay dự án cộng đồng đầy ý nghĩa. Kết thúc thử thách, ai nấy đều tự hào về một ứng dụng gắn liền với niềm vui, và sự miệt mài khám phá mà sẽ khắc sâu trong tâm trí họ.

Lời kết

Mô hình học tập hợp tác trong chuỗi Sinh hoạt chuyên môn giữa các giáo viên đại sứ của Train the Trainers đã giúp người giáo viên hiểu hơn về sự đa dạng của AI trong giảng dạy. Khoá học đồng thời khuyến khích sáng tạo trong hành trình tự mày mò, khám phá, để vừa giúp nâng cao năng suất, vừa giúp tăng cường chất lượng của bài giảng. 

Xuyên suốt chặng đường ấy, song hành với tấm gương trong nghề giáo không chỉ có trợ giảng AI, mà còn thêm cộng đồng giáo viên cả nước luôn đồng cảm, đồng hành, và đồng lòng với nhau trên hành trình đón đầu xu thế và chắp cánh cho những mầm non của đất nước.

Hãy cùng tham gia ngay và đón chờ những hoạt động sôi nổi cùng hơn 5,000 giáo viên đã tham gia Discord, để chuỗi giá trị ấy ngày càng được tiếp nối và nhân rộng, kiến tạo giáo dục 4.0. Tại thời điểm này, vai trò của người giáo viên không chỉ là ngọn đèn soi đường chỉ lối, mà còn là tấm gương tự chủ trên hành trình trau dồi kiến thức của mình, để các lứa học trò được truyền cảm hứng, và giữ ngọn lửa tri thức mãi cháy cùng thế hệ tương lai.