Chuyên mục
Khám phá Vui cùng STEAM

Inspiring Scientists: Nuôi dưỡng đam mê, vươn tầm quốc tế

Nói về những “ông lớn” của ngành công nghệ, người ta thường nghĩ về những sản phẩm đã gắn liền với tên tuổi của họ như Bill Gates với phần mềm máy tính Microsoft , Mark Zuckerberg với mạng xã hội Facebook, hay Steve Jobs với thương hiệu Apple.

Nói về những “ông lớn” của ngành công nghệ, người ta thường nghĩ về những sản phẩm đã gắn liền với tên tuổi của họ như Bill Gates với phần mềm máy tính Microsoft , Mark Zuckerberg với mạng xã hội Facebook, hay Steve Jobs với thương hiệu Apple. Nhưng phần lớn mọi người đều quên mất rằng những “ông lớn” ấy đều là những đại diện tiêu biểu cho ngành công nghiệp 4.0 của phương Tây, còn hàng triệu những nhà khoa học và kỹ sư đến từ mọi quốc tịch, mọi vùng miền cũng đang không ngừng đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghệ thế giới. Vì vậy hôm nay STEAM for Vietnam sẽ giới thiệu cho bạn những tài năng người Việt đã trở thành niềm tự hào cho ngành khoa học và công nghệ nước nhà, làm nên danh tiếng tầm cỡ quốc tế.

1. Tiến sĩ Lê Việt Quốc

Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với những tính năng của Google Search, Google Translate nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi những phát kiến đó từ đâu ra? Thực tế đó là một vài trong rất nhiều đột phá về nhận diện hình ảnh và giọng nói mà đứng đằng sau là một người Việt đầy hoài bão và đam mê, Tiến sĩ Lê Viết Quốc. Anh là một trong những nhân vật dẫn đầu của bộ phận Google Brain, một chuyên gia về Trí tuệ Nhân tạo (AI) và một nhà khoa học được xướng tên trong danh sách 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới do tạp chí MIT Technology Review bầu chọn.

Tuy vậy, ít ai biết rằng để đạt được những thành tựu xuất sắc ở độ tuổi như vậy, Tiến sĩ Lê Viết Quốc đã trải qua cả hành trình chông gai từ một cậu bé nghèo tại ngôi làng nhỏ ở Huế đến “quái kiệt” về AI ở thung lũng Silicon. Lớn lên ở một làng quê nghèo thậm chí không có điện, cậu bé chuyên toán vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách và ước mơ trở thành một nhà phát minh trong tương lai. Với khát vọng cháy bỏng của một cậu học trò nghèo, tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, Lê Quốc Viết đã nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Quốc gia Australia. Tại đây, anh bắt đầu hành trình đến với Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Học máy (Machine learning) năm 2004. Ba năm sau, nhờ sự xuất sắc của mình, anh tiếp tục trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Stanford và nghiên cứu kỹ hơn về học sâu (Deep learning). Có lẽ bước ngoặt lớn nhất là khi Lê Viết Quốc gia nhập Google, được nhà nghiên cứu hàng đầu về AI là Andrew Ng. mời làm đồng sáng lập của Google Brain năm 2011. Đây cũng chính là bộ phận chủ chốt nghiên cứu về những dự án nhận dạng hình ảnh và giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… mà ứng dụng phổ biến nhất mà ta biết đến là Google Search và Google Translate.

Dù đã tạo dựng được chỗ đứng trong lĩnh vực của mình, Lê Viết Quốc vẫn luôn suy nghĩ về sự phát của nền công nghệ nước nhà, về cách làm sao giúp giới trẻ Việt Nam được phát triển và tạo ra những phát minh sánh tầm thế giới.

Lời khuyên dành cho những người trẻ đang nuôi dưỡng đam mê lớn. (Source: congnghe.tuoitre.vn)

2. Tiến sĩ Phạm Thành Thái

“Tôi bước ra từ một làng quê nghèo nhưng vẫn có thể đi khắp nơi, vào được những ngôi trường danh tiếng […] thì các bạn trẻ cũng hoàn toàn có thể làm được như thế và hơn thế nếu thật sự nỗ lực, dám mơ lớn”, đó chính là những chia sẻ của Phạm Thành Thái — người đàn ông được Amazon nhận làm việc sau 5 phút phỏng vấn.

Sinh ra trong một gia đình nghèo với gia đình có bố là giáo viên dạy toán cấp 2, mẹ là cán bộ huyện tại tỉnh Hải Dương, cậu bé Thái suýt nữa chuyển lớp chọn sang lớp thường chỉ vì gia đình không có nổi 40 nghìn đồng đóng tiền học thêm hàng tháng. Nhưng với niềm ham học và không ngừng nỗ lực, Thái luôn đạt kết quả ở trên lớp và đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế (IMO 48) năm 2007, giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm cùng năm…

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Thái theo học tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) với suất học bổng toàn phần và được kết nạp vào tổ chức Phi Beta Kappa dành cho top 10% sinh viên xuất sắc tại ngôi trường danh giá này. Sau đó, anh tiếp tục đạt học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế 100.000 USD/năm đại học Stanford, bảo vệ thành công luận án “Large Scale Causal Inference with Machine Learning” vào tháng 5/ 2017.

Với nền tảng nghiên cứu chuyên sâu và những thành tích khủng, không khó để Phạm Thành Thái gây ấn tượng mạnh với những nhà tuyển dụng của công ty Amazon và được nhận vào làm chỉ sau 5 phút phỏng vấn.

Trong quãng thời gian làm việc cho Amazon, Thành Thái và các đồng nghiệp cho ra đời shopbylook.amazon.com dựa trên hệ thống sẽ xử lý và gợi ý sản phẩm gần giống với hành vi của người tiêu dùng. Dự án này được doanh nhân công nghệ Jeff Bezos đánh giá rất cao.

Mặc dù có cơ hội được làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng Phạm Thành Thái luôn ấp ủ giấc mơ được cống hiến và phát triển ngành công nghệ nước nhà. Là một trong 21 nhân tài được vinh danh trong cuốn sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” do NXB Thế giới phát hành vào tháng 6/2019, anh Phạm Thành Thái đã có những chia sẻ vô cùng thực tế về hành trình không ngừng cố gắng của mình, với mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam nuôi chí lớn và theo đuổi hoài bão của bản thân.

Lời chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” (Source: theleader.vn)

3. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Phong

Khác với hai nhân vật trên, Nguyễn Xuân Phong may mắn được sinh ra trong một gia đình “nhà nòi” với bố là dân công nghệ thông tin. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để anh có thể tiếp cận với lập trình ở độ tuổi mà những đứa trẻ khác còn không biết đến định nghĩa “lập trình” là gì. Năm 9 tuổi, anh đã mò mẫm để vẽ từng chi tiết nhỏ bằng Word Paint rồi lắp ghép các ảnh lại, tự mình viết nên một phần mềm dạy thể dục hoàn thiện. Sản phẩm ấy đã đạt giải nhất cuộc thi “Phần mềm sáng tạo toàn quốc” khi cậu bé Phong mới học lớp 4.

Nguyễn Xuân Phong được bố mẹ tiếp tục cho đi học nhiều hơn về lập trình để nuôi dưỡng tài năng trẻ và tiếp tục đạt thêm nhiều giải thưởng danh giá khác liên quan tới công nghệ thông tin những năm học cấp ba. Nhưng dường như tuổi trẻ muốn bứt phá và thử nghiệm ở những lĩnh vực khác đã khiến Phong đưa ra một quyết định mà nhiều người khác nghĩ có vẻ hơi “nổi loạn” và mạo hiểm trong mắt mọi người. Vào độ tuổi 18, anh quyết định rẽ sang học Quản trị Kinh doanh — một ngành hoàn toàn không liên quan đến công nghệ thông tin, tại ĐH Coventry, Singapore.

Sau một khoảng thời gian ra trường và đi làm, anh nhận ra rằng những kiến thức về lập trình mà anh bồi đắp từ khi còn nhỏ giúp ích cho anh trong công việc nhiều hơn những kiến thức bốn năm trên giảng đường đại học. Anh quyết định tạm dừng việc đi làm và quay trở lại với niềm đam mê được cống hiến cho khoa học để theo học Cao học tại trường Carnegie Mellon (CMU) — một trong những trường đại học tốt nhất đào tạo mảng công nghệ thông tin tại Mỹ.

Trong khoảng thời gian học tập tại nơi đây, Phong đã có cơ hội được thực tập tại công ty Hitachi tại Nhật Bản — nơi sau khi gắn bó và làm việc trong 8 năm, anh đã xuất sắc trở thành một trong 50 nhà khoa học hàng đầu của tập đoàn. Song song với thời gian đi làm, Nguyễn Xuân Phong tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và lấy bằng tiến sĩ ngành Trí tuệ Nhân tạo ứng dụng tại Đại học Tokyo. Năm 2018, Xuân Phong trở về Việt Nam với tư cách là một trong 100 tri thức trẻ tham gia vào Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do chính phủ tổ chức.

Trải qua một khoảng thời gian dài nghiên cứu chuyên sâu và đạt được những thành tựu chuyên môn danh giá nhưng Nguyễn Xuân Phong vẫn luôn nỗ lực và theo đuổi đam mê hết mình với ước mơ đưa Việt Nam sánh vai với những cường quốc phát triển về ngành Trí tuệ Nhân tạo trong tương lai.

Trả lời cho câu hỏi “Con người có nên lo sợ trước AI?” (Source: vnexpress.net)

Mong rằng cảm hứng từ câu chuyện của ba trong số rất nhiều tài năng người Việt tại nơi xứ người sẽ ngày càng nuôi dưỡng được nhiều nhân tài như vậy, để cống hiến không chỉ cho đất nước mà còn cả cho nhân loại. Việc chúng ta cần làm hiện tại là nuôi dưỡng đam mê từ nhỏ cho thế hệ trẻ của Việt Nam và tạo ra một môi trường tốt nhất cho sự phát triển đam mê đó.

— — —

STEAM for Vietnam mong muốn truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt. Coding Bootcamp 2020 theo hình thức học trực tuyến Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam sẽ được STEAM for Vietnam tổ chức vào mùa hè này. Học sinh ở bất cứ độ tuổi và trình độ nào cũng có thể tham gia chương trình, đặc biệt chương được thiết kế phù hợp nhất cho các em lứa tuổi cấp Hai.

Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Email: hello@steamforvietnam.org

Website: https://www.steamforvietnam.org

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *