Xin chào các bạn, mình là Trẩu của lớp CS 101 đây! Mình rất vui khi được quay lại đồng hành với các bạn ở kỳ học mùa Xuân năm nay. Chắc các bạn cũng biết là chúng mình sẽ cùng học ngôn ngữ lập trình Python ở lớp CS 101 đúng không nào? Nhưng mình tin rằng cũng sẽ có nhiều bạn học sinh có thắc mắc: “Sau khi hoàn thành khóa học CS 101 thì chúng mình sẽ sử dụng kỹ năng lập trình Python như thế nào?”. Để giải đáp thắc mắc này, các bạn hãy cùng Trẩu tìm hiểu một số ứng dụng của Python mà các bạn học sinh của lớp CS 101 đã làm nhé.
1. Phần mềm giúp quản lý các việc cần làm trong ngày (To-do list):
Có bao giờ các bạn quên mất ngày nộp bài tập về nhà hay lỡ một buổi sinh nhật của bạn mình chưa?? Có bao giờ bạn từng sử dụng những công cụ hay phần mềm hỗ trợ quản lý thời gian và hoạt động của mình như Google Calendar? Các bạn có thấy những sản phẩm đó “kool” không nào. Thật tuyệt vời là với Python, chúng mình hoàn toàn có thể tự tạo ra một công cụ hữu ích như vậy. Hãy cùng Trẩu khám phá hai sản phẩm “To do list” của các bạn học sinh đến từ nhóm Vipers và Staregos của lớp CS 101 nhé.
Nhóm Vipers đã sử dụng Python và Tkinter để tạo ra phần mềm giúp kiểm tra tiến độ hoàn thành của các công việc, cũng như thêm và bớt công việc. Vipers còn tạo ra cả game để các bạn thư giãn nữa đấy. Các bạn trong team Vipers đã sử dụng rất nhiều kiến thức được học từ lớp CS 101 như kiểu cấu trúc dữ liệu từ điển (dictionary) để lưu dữ liệu của từng công việc, hàm trong Python (function) để viết các tính năng của phần mềm, câu điều kiện (if condition), mảng (array), và lập trình hướng đối tượng (OOP) để làm game.
Phần mềm của các bạn nhóm Staregos thì đầy màu sắc với giao diện bắt mắt. Phần mềm được tạo ra từ Python và Pygame. Các bạn đã sử dụng kỹ năng hội họa được dạy trong bài Lớp học hoạt họa của khóa học CS 101. Ngoài ra, các bạn còn sử dụng các kiến thức khác như lập trình hướng đối tượng để tạo ra các thành phần của phần mềm như thẻ công việc, nút bấm, mảng và từ điển để lưu dữ liệu của các thẻ công việc. Phần mềm của nhóm Staregos giúp người dùng sắp xếp các công việc theo ngày, theo tuần.
2. Phần mềm giúp mô phỏng các thí nghiệm vật lý (Virtual Physics Experiments – VPE):
Các bạn học sinh có sợ học môn vật lý và hóa học không? Trước đây một số kiến thức Trẩu cảm thấy rất khó hiểu nhưng nhờ các bạn học sinh của lớp CS 101 mà giờ Trẩu thấy dễ dàng hơn rất nhiều bằng cách được thực hành các khái niệm trên lớp. Các bạn có tin là mình có thể làm thí nghiệm mà không cần trang thiết bị và đến phòng thí nghiệm không? . Với Python, các bạn nhóm Dragonfly của lớp CS 101 đã tạo ra “phòng thí nghiệm ảo” mà mình có thể cùng nhau làm các thí nghiệm vật lý. Với từng thí nghiệm, phần mềm cho phép người dùng thay đổi các tham số để hiểu hơn về thí nghiệm và khái niệm. Phần mềm có các hệ thống nút bấm, menu giúp người dùng dễ dàng tương tác. Phần mềm có rất nhiều thí nghiệm như về ánh sáng, con lắc, rơi tự do, và ném xiên. Nhờ Dragonfly mà Trẩu cảm thấy môn vật lý “dễ nhằn” hơn nhiều và cảm thấy hứng thú tìm hiểu hơn. Để tạo ra phòng thí nghiệm ảo như này, các bạn trong nhóm Dragonfly đã sử dụng thành thạo các kiến thức được học trong lớp CS 101 như lập trình hướng đối tượng, câu điều kiện, vòng lặp, và mảng. Ví dụ như trong thí nghiệm con lắc, mảng giúp lưu vị trí của con lắc theo thời gian, cùng với kiến thức về vòng lặp để vẽ đồ thị tọa độ và đường quay của con lắc.
3. Trò chơi giúp tìm hiểu kiến thức địa lý Việt Nam (Wordle Vietnamese Geography):
Các bạn có biết đến trò chơi Wordle không? Trẩu và các bạn học sinh lớp CS 101 rất thích trò chơi này. Lấy cảm hứng từ Wordle, nhóm Wero của lớp CS 101 đã tạo ra một trò chơi thú vị giúp các bạn học sinh có thể tìm hiểu thêm về các thành phố tại Việt Nam bằng Python và Pygame. Người chơi sẽ đoán tên các tỉnh thành ở Việt Nam dựa trên các đặc điểm như hình dạng lãnh thổ địa lý và danh lam thắng cảnh. Trò chơi cũng sẽ hiển thị hướng và khoảng cách từ nơi người chơi đoán đến đáp án và gợi ý được thay đổi qua mỗi lần đoán để người chơi có thể dễ dàng đoán được địa điểm ở Việt Nam. Với mỗi lượt chơi, một địa điểm ngẫu nhiên sẽ được tạo ra. Để tao ra trò chơi này, các bạn trong nhóm Wero đã sử dụng rất nhiều kiến thức học được từ lớp CS 101 như mảng, lập trình hướng đối tượng, vòng lặp và thư viện random để tạo câu hỏi ngẫu nhiên.
4. Ứng dụng liên quan đến robot và trí tuệ nhân tạo (Robotics):
Trẩu xin được giới thiệu nhóm Robotics của lớp CS 101 bao gồm các bạn có hứng thú với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các bạn đã nâng cấp trò chơi Ai là triệu phú, là dự án cuối khóa của lớp CS 101, tích hợp trí tuệ nhân tạo. Nhóm đã tạo ra một tính năng sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo nhận diện số đếm qua các ngón tay trên thư viện opencv. Người chơi chỉ cần có một webcam và với mỗi câu hỏi, người chơi sẽ đưa số ngón tay tương ứng với đáp án lựa chọn. Trò chơi sẽ nhận diện xem đó là đáp án nào và kiểm tra đáp án đúng. Ngoài ra, nhóm cũng đã sử dụng thành thạo thư viện Pygame và các câu lệnh đọc, viết file text được học trong khóa CS 101, để thêm chức năng cho chép người dùng thêm câu hỏi mới. Hãy cùng tham gia khóa học CS 101 kỳ học mùa xuân năm nay để trải nghiệm cùng làm trò chơi này nhé!
5. Các ứng dụng khác sử dụng Python:
Trong khóa học CS 101, các thầy cô cũng lồng ghép rất nhiều ứng dụng của Python trong các bài học. Một số bạn học sinh tạo ra các trò chơi, phần mềm giải mã Caesar, phần mềm giúp giải bài toán, phần mềm tính chỉ số IBM… Các bạn biết không các kiến thức của lớp CS 101 tuy cơ bản nhưng cũng đủ để tạo ra các ứng dụng hay và hữu ích trong đời sống. Đồng thời đó cũng là nền tảng để các bạn học sinh có thể phát triển, tìm hiểu thêm các kiến thức mới như lập trình game, làm website, hay trí tuệ nhân tạo. Thời gian gần đây ChatGPT của công ty OpenAI đã gây ra một cơn sốt trong giới công nghệ đúng không nào. ChatGPT sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo trên một cơ sở dữ liệu lớn về ngôn ngữ. Các kiến thức nền tảng về khoa học máy tính được học trong lớp CS 101 cũng xuất hiện một phần nhỏ trong quá trình hình thành nên ChatGPT: từ việc lưu trữ dữ liệu, đọc dữ liệu, hàm, thuật toán, cấu trúc dữ liệu, đến lập trình hướng đối tượng. Ngoài ra ChatGPT cũng sẽ rất hữu ích cho các bạn học sinh muốn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ Python và khoa học máy tính bằng cách đặt câu hỏi cho ChatGPT.
STEAM for Vietnam hi vọng kiến thức cơ bản về khoa học máy tính và lập trình Python sẽ được tiếp cận đến nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn, để có thể tạo ra những ứng dụng, công cụ hữu ích cho cuộc sống. Hiện tại, khoá học CS 101 của chúng mình đang được mở đơn từ ngày 25/02 đến ngày 25/03/2023! Đây cũng sẽ là lần duy nhất trong năm 2023 mà các bạn có thể gặp chúng mình – Trẩu và Tre đó! Chính vì thế, các bạn học sinh đừng bỏ lỡ cơ hội này và hãy đăng kí học ngay nhé!
Trẩu xin bật mí một xíu xìu về hoạt động Hè 2023 này, sẽ có một cuộc thi Hackathon diễn ra. Và các bạn sẽ cần phải ứng dụng kiến thức Python để tham gia thi đấy! Nhanh tay đăng kí học ngay hôm nay để trang bị kiến thức trước thềm cuộc thi nhé!
📌 Tìm hiểu thêm về các lớp học: https://www.steamforvietnam.org/courses
👉 Đăng ký khóa học lập trình mùa xuân 2023: https://steamforvietnam.org/form/50
Tác giả: Nam Phạm và Dung Trần
— — —
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
— — —
📧Email: hello@steamforvietnam.org
🌐Website: www.steamforvietnam.org
🌐Fanpage: STEAM for Vietnam
📺YouTube: http://bit.ly/S4V_YT
🌐Zalo: Zalo Official
📍Donation: https://www.steamforvietnam.org/donation