Khi đó, áp lực càng đè nặng lên vai giáo viên vào mùa kiểm tra. Xấp bài chồng chất kèm những thủ tục nhập điểm, nhận xét rườm rà và tốn nhiều thời gian khiến việc cải thiện phương pháp dạy học, và hỗ trợ cho từng học sinh gần như là không thể.
Tuy vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Generative AI, giáo dục truyền thống đang dần chuyển mình để nhường sân cho một phương pháp mới của nền giáo dục hiện đại: giáo dục cá nhân hoá. Giáo dục cá nhân nhân hoá là phương pháp hoàn toàn khác biệt so với các lớp học truyền thống.
Trong đó, quá trình học tập được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng học sinh. Để có thể triển khai được giáo dục cá nhân hoá, các công việc lặp đi lặp lại, tốn nhiều thời gian và công sức, như chấm điểm và tạo báo cáo tình hình học tập của học sinh sau từng học kỳ, từng năm học, cần được tự động hoá.
Ngày nay, với sự phát triển của các nền tảng công nghệ, đặc biệt là các công cụ AI, giáo viên đã có trợ thủ đắc lực để giải quyết các công việc lặp đi lặp lại này. Vậy những công cụ ấy là gì?
Các công cụ hỗ trợ chấm bài:
1. TNMaker
TNMaker là một phần mềm hỗ trợ chấm thi trắc nghiệm trên điện thoại sử dụng AI đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều điểm trường ở Việt Nam. Chỉ với một lần chụp, AI sẽ nhận diện được mã đề, đánh giá câu trả lời của từng thí sinh (đúng hoặc sai) theo đáp án đã được cập nhật trên hệ thống và tổng hợp thành 1 file thống kê như mong muốn.
Công cụ này giúp giáo viên tiết kiệm được khối thời gian làm các thủ tục truyền thống như sắp xếp các bài kiểm tra theo mã đề, đục lỗ bài kiểm tra hay nhập điểm của từng học sinh lên excel như trước đây.
Nguồn: https://tnmaker.net/
2. Gradescope:
Công cụ Gradescope AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian đánh giá chất lượng giảng dạy của mình bằng hình thức hỗ trợ chấm bài đa dạng. Không chỉ có khả năng chấm điểm các bài trắc nghiệm theo quy trình tương tự như TNMaker, Gradescope còn hỗ trợ nhận diện đáp án từ những bài thi giấy hoặc code.
Đối với các bài kiểm tra hoặc bài tập tự luận trên giấy, công nghệ AI của Gradescope sẽ nhận dạng chữ viết của thí sinh, phân loại và đánh giá theo khung điểm đã cho. Giờ đây, giáo viên chỉ cần chấm thủ công trong trường hợp máy không nhận diện được hoặc đáp án quá khác biệt so với mẫu.
Không chỉ dừng lại ở đó, Gradescope sẽ tổng hợp và đưa ra những thống kê liên quan đến kết quả của cả lớp cho giáo viên và trực tiếp cập nhật lên các hệ thống báo điểm.
Nguồn: https://www.gradescope.com/
3. ChatGPT
ChatGPT hẳn không còn là một cụm từ quá xa lạ khi nhắc về Generative AI. Với sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng của phần mềm này trong thời gian vừa qua, ChatGPT dần trở thành một cánh tay đắc lực hỗ trợ các thầy cô chấm cái bài luận trên toàn thế giới, đặc biệt là những dạng đề theo một cấu trúc cụ thể.
Một số lưu ý khi sử dụng ChatGPT dành cho giáo viên:
- ChatGPT không nắm được những thông tin liên quan đến học sinh của bạn: Dù đây là một khía cạnh tích cực nó sẽ cho một kết quả khách quan nhất, nhưng AI thường không cân nhắc những trường hợp ngoại lệ hay yếu tố bên ngoài như khả năng tiếp thu, hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập của học sinh,… Chính vì thế các thầy cô cần cho ChatGPT biết về tình hình học sinh trong lớp, tuy nhiên cũng cần chú ý về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của học sinh.
- Giá trị vẫn nằm trong tay bạn: Có thể công cụ này giúp một hay nhiều phần trong quá trình chấm bài nhưng cũng như những loại mệnh lệnh khác, nó không hoàn hảo. Học sinh sẽ luôn mong đợi các thầy cô của mình có thể đưa ra lời nhận xét trực tiếp hoặc sử dụng nó để cải cải thiện giáo án, lời khuyên cho phương pháp học,…
Vậy, làm cách nào để hỏi ChatGPT một cách hiệu quả? Dưới đây là một số câu hỏi mẫu mà thầy cô có thể tham khảo theo thứ tự lần lượt:
- Bạn là một giáo viên THCS. Học sinh của bạn đang học khối 7 và nhiệm vụ của bạn là chấm điểm bài văn tự sự dưới đây trên thang điểm 10.
(Yếu tố nên có: Khối lớp, loại đề, thang điểm/phương thức chấm điểm)
- Dưới đây là khung điểm cho dạng bài này. Cho tôi điểm và nhận xét cụ thể theo từng phần.
(Yếu tố nên có: khung điểm chi tiết với điểm thành phần tương ứng)
- Đề bài này ưu tiên ý tưởng và cách diễn đạt hơn là cấu trúc. Đánh giá bài văn này của học sinh theo hướng ưu tiên đó.
(Yếu tố nên có: thứ tự ưu tiên của các yếu tố trong đáp án theo mục tiêu bài học)
- Nếu bài văn được đánh giá dưới 4 điểm, gợi ý cho tôi một đoạn văn nhỏ đề xuất hướng cải thiện cho học sinh.
(Yếu tố nên có: hướng giải quyết cho các học sinh dưới điểm)
Những lưu ý khi sử dụng các công cụ chấm bài bằng Generative AI
Yếu tố về bảo mật thông tin cần được đặt lên hàng đầu khi sử dụng các công cụ Generative AI cho việc chấm bài, tạo báo cáo kết quả học tập. Khi scan bài kiểm tra của học sinh, các thầy cô cần lưu ý bỏ đi các thông tin cá nhân của học sinh như tên, tuổi, giới tính, ngày tháng năm sinh. Khi thêm yếu tố thông tin của học sinh cho các công cụ Generative AI, nhằm mục đích nhận được kết quả tốt hơn, các thầy cô cũng cần cẩn trọng và chú ý về thông tin cá nhân của học sinh và của chính bản thân.
Ngoài ra cũng cần lưu ý kiểm tra lại những kết quả trả về từ các công cụ Generative AI, đảm bảo tính khách quan và chính xác. Các công cụ Generative AI được huấn luyện bởi một bộ dữ liệu nhất định nên những yếu tố về thiếu tính khách quan, thông tin sai lệch là không tránh khỏi.
— — —
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
— — —
📧Email: hello@steamforvietnam.org
🌐Website: www.steamforvietnam.org
🌐Fanpage: STEAM for Vietnam
📺YouTube: http://bit.ly/S4V_YT