Chuyên mục
Khám phá Khoá học Vui cùng STEAM

Lập Trình — Kỹ Năng Nên Có Ở Mọi Ngành Nghề

Nhà vật lý đại tài Stephen Hawking đã từng nói:

“ Cho dù bạn muốn khám phá những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ hay đơn giản chỉ muốn theo đuổi sự nghiệp trong thế kỷ 21 thì lập trình máy tính cơ bản, vẫn là một kỹ năng thiết yếu phải học ”

Trên thực tế, một báo cáo của Burning Glassdoor Technologies đã chỉ ra rằng:

Trong bảy triệu cơ hội việc làm từ năm 2014–2016 thì các công việc yêu cầu kỹ năng lập trình máy tính phải trả thêm 22 ngàn đô mỗi năm cho nhân viên so với công việc không yêu cầu. Đồng thời, tỷ lệ các vị trí yêu cầu khả năng lập trình từ người xin việc đang tăng nhanh hơn 50% so với thị trường chung; không chỉ riêng với công việc công nghệ, mà ngay cả đối với các công việc phi công nghệ.

Điều này cho thấy, kỹ năng lập trình sẽ trở thành điểm cộng cho quá trình xin việc cũng như là lợi thế quan trọng để giúp trẻ theo đuổi ngành nghề lý tưởng của mình trong tương lai. Sau đây, hãy cùng STEAM for Vietnam điểm qua 4 ngành nghề tưởng chừng không hề liên quan đến công nghệ nhưng lại dễ dàng thăng tiến nếu có thêm kỹ năng lập trình nhé!

1. Thiết Kế Thời Trang

Như câu nói của nhà thiết kế Francis Bionti :“Tương lai ngành thời tranh là lập trình, không phải may đo cao cấp.”

Sự phát triển của ngành thời trang đồng nghĩa với sự phát triển tính ứng dụng của thời trang vào cuộc sống. Sự giao thoa giữa công nghệ và thời trang tạo ra một xu hướng mới, gọi là “wearable technology” (sản phẩm công nghệ có thể đeo/mặc được). Mỗi món đồ không chỉ mang giá trị làm đẹp mà còn phải có tác dụng thiết thực riêng, ví dụ như Apple Watch hay Google Glass, ngoài là một phụ kiện thời trang chúng còn được lập trình để hỗ trợ đo nhịp tim hay lên kế hoạch làm việc phù hợp với chủ nhân.

Nguồn: keith.robertory.com

Một ví dụ khác, Kye Shimizu, nhà thiết kế công nghệ người Nhật đã sử dụng code và phần mềm công nghệ quét 3D để tạo ra mẫu quần áo 2D tối ưu hóa việc không tạo ra vải thừa khi cắt. Từ đó, giúp giảm thiểu tối đa năng lượng và rác thải trong quá trình sản xuất. Năm 2018, dự án này đã được vinh danh tại hạng mục Giải thưởng bình chọn từ BGK tại Wired Creative Hack Award.

Kye Shimizu trong buổi hội thảo giới thiệu về dự án ( nguồn: designindaba)

2. Kỹ Sư

Đối với kỹ sư, kiến thức về lập trình có thể hỗ trợ để giảm bớt thời gian cho các công việc tính toán và phân tích. Đặc biệt là kỹ sư cơ khí, kỹ sư dân dụng và kỹ thuật viên kỹ thuật, họ thường sử dụng lập trình để thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm mới.

Có các công cụ hay phần mềm chung được sử dụng trong toàn ngành, nhưng mỗi dự án thường có những yêu cầu cụ thể. Kỹ sư biết về lập trình có thể thiết kế công cụ riêng, giúp công việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong các tính toán quan trọng của dự án, một sai lầm nhỏ cũng có thể gây tổn thất lớn. Có kiến thức lập trình để tạo ra một tùy chọn, nhằm kiểm tra lại từ 2–3 lần cho các tính toán này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trên.

Nguồn: Freepik.com

3. Chuyên Viên Phân Tích

Nói đến ngành nghề liên quan đến kinh tế, các chuyên viên phân tích kinh doanh, nhà phân tích tài chính và nhà phân tích dữ liệu sử dụng lập trình máy tính để phân tích con số và giải quyết các vấn đề trong kinh doanh, tài chính. Các tác vụ mã hóa phổ biến bao gồm ước tính số tiền mà một công ty sẽ kiếm được hoặc xác định số lượng một mặt hàng cụ thể mà một cửa hàng nên đặt trên kệ.

Nguồn: topdev.vn

4. Marketing

Có thể thấy marketing và digital marketing mở rộng phụ thuộc vào cách người dùng phản ứng với các nội dung marketing. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mà một lượng lớn tương tác của người tiêu dùng diễn ra trên mạng. Vì thế, để kiểm soát luồng dữ liệu này một cách hiệu quả, các chuyên gia có thể dựa vào lập trình để thiết kế công cụ giúp hiểu rõ hơn các hoạt động “online” của người dùng.

Có kiến thức về cách người dùng phản ứng với từng nội dung ra sao sẽ giúp dự đoán được nhu cầu tiêu dùng trong tương lai, tạo cho nhà tiếp thị một nguồn tài nguyên lớn để đi trước số đông.

Nguồn: topviec.vn

Tất nhiên, ngoài 4 ngành nghề trên vẫn còn rất nhiều công việc mà kỹ năng lập trình luôn có “đất dụng võ”. Tiêu biểu như kế toán, thiết kế đồ hoạ, hoá mỹ phẩm, khoa học môi trường, nghiên cứu y tế, v.v. Đó cũng là lý do ra đời của những sản phẩm như Smart coat từ hãng Emel + Aris — chiếc áo có thể điều chỉnh thân nhiệt và làm tăng khả năng lưu thông máu của người mặc hay My UV Patch từ hãng mỹ phẩm L’oreal — miếng lót dính vào da cho phép theo dõi mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Sản phẩm My UV Patch của hãng L’Oréal (nguồn: wareable.com)

Trại hè Lập trình 2021 với hai khoá học lập trình hoàn toàn miễn phí

ĐĂNG KÝ NGAY

Kết Luận:

Lập trình chính là một kỹ năng sống còn cho các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau và cũng là lá chắn để bảo vệ họ trước nguy cơ bị công nghệ hay máy móc thay thế. Vì lẽ đó, cho trẻ tiếp xúc sớm với lập trình chắc chắn là một quyết định sáng suốt và cần thiết. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc giáo dục về lập trình vẫn còn tương đối mới mẻ, hạn chế.

Hiểu được khó khăn đó, STEAM for Vietnam mong muốn được truyền tải “ngôn ngữ của tương lai” này đến thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch và ngôn ngữ Python — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt. 

Link đăng ký tham gia khoá học hè: https://tinyurl.com/S4VSummer2021

Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Summer Coding Bootcamp 2021:

Facebook: https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Email: hello@steamforvietnam.org

Website: https://www.steamforvietnam.org

Các Nguồn Tham Khảo:

Five careeres where coding skills will help your kids get ahead

Non tech positions requiring coding

4 ngành nghề thăng tiến nhanh khi có thêm kỹ năng lập trình

5 ngành nghề thăng tiến nhanh khi có thêm kỹ năng lập trình

Fashion and Coding ( Thời Trang và Lập Trình)

Chuyên mục
Khám phá Vui cùng STEAM

Series “Anyone Can Code”: Phụ Nữ Làm Lập Trình

Lấy cảm hứng từ câu nói “Anyone Can Cook” của Bếp trưởng Gusteau trong bộ phim “Chú chuột đầu bếp”, STEAM for Vietnam đã cho ra mắt chuyên mục “Anyone Can Code”. Chúng tôi tin rằng, bất cứ ai, không kể tuổi tác hay giới tính, đều có thể lập trình, thậm chí là trở thành những nhà lập trình vĩ đại. Chuyên mục “Anyone Can Code” sẽ đem tới cho các bạn những câu chuyện phi thường, thay đổi những định kiến về ngành STEM.

Nhìn lại các thế kỷ trước, những người biết đọc và viết luôn có một vị trí quyền lực, kiểm soát cả hiện tại và tương lai. Ngày nay, khi cuộc sống con người được gắn liền với công nghệ, ngôn ngữ lập trình trở thành một ngôn ngữ giao tiếp cần thiết và đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên số, những người nắm bắt được nó có nhiều lựa chọn hơn để thành công cũng như định hình tương lai của họ thay vì là người tiêu dùng công nghệ thụ động. Từ đó, việc trang bị kỹ năng lập trình từ sớm, dù ở bất kì độ tuổi, giới tính nào là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, số liệu thực tế đã chỉ ra rằng: Lượng nữ giới tham gia vào những công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, đã giảm mạnh từ đầu những năm 90. Cũng vì lẽ đó, khi nhắc đến việc học lập trình, nhiều người thường mặc định đây là việc chỉ dành riêng cho đấng mày râu và không phải môn học lý tưởng với phái nữ. Đấy là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Theo tổ chức “Code Like a Girl”, một nghiên cứu vào năm 2016 đã thống kê: Trong 3 triệu yêu cầu được gửi trên GitHub — một hệ thống quản lý dự án và các mã lập trình, hoạt động như một mạng xã hội cho lập trình viên — các mã lập trình do phụ nữ viết đã được phê duyệt gần 79% trong khi con số này của nam giới là 74,6%. Điều này cho thấy, phụ nữ hoàn toàn có tiềm năng trong việc lập trình cũng như có thể đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Source: quantrimang.com

Ngoài ra, trước khi trở thành công việc đặc thù của nam giới, ít ai biết, các bóng hồng mới là những người đi tiên phong trong lĩnh vực lập trình này.

Đầu tiên phải kể đến Augusta Ada King hay thường được gọi là Ada Lovelace (10/12/1815–27/11/1852), một nhà văn, nhà toán học tài ba người Anh. Ada được xem là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới khi ngay từ giữa thế kỷ 19, lúc mà chiếc máy tính đầu tiên còn chưa ra đời, bà đã viết ra những mã lập trình máy tính đầu tiên. Trong những chú thích của mình, Ada Lovelace mô tả cách tạo code (mã lập trình) để thiết bị xử lý thêm cả chữ cái và biểu tượng chứ không chỉ các con số. Bà cũng lý thuyết hóa phương pháp để máy móc lặp lại một chuỗi lệnh, quá trình được gọi là “vòng lặp” (Loop) mà các chương trình máy tính ngày nay sử dụng.

Tiếp đến là Grace Hopper, lập trình viên tạo ra chiếc máy tính kỹ thuật số điện tử đầu tiên — UNIVAC. Về sau, các trạm theo dõi của NASA đã sử dụng phần cứng UNIVAC để liên lạc với các phi hành gia trong không gian. Năm 2016, Hopper đã được truy tặng Huân chương Tự do của Tổng thống vì những đóng góp của bà. Grace Hopper còn được lấy tên cho hàng loạt công trình, giải thưởng, học bổng liên quan đến công nghệ như một sự tưởng nhớ và kính nể đối với một tượng đài trong lĩnh vực lập trình.

Hình ảnh Grace Hopper làm việc (source: news.yale.edu)

Và còn rất nhiều cái tên thành công khác như Margaret Hamilton, người trong nhóm thiết kế, xây dựng phần mềm điều khiển bay cho chương trình Apollo — dự án đưa con người lên mặt trăng, Katie Bouman — người tạo ra thuật toán giúp chụp được hình ảnh của hố đen trong vũ trụ hay Danielle Feinberg — nữ lập trình viên của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Pixar…Tất cả đều là niềm tự hào của giới nữ lập trình viên và là tấm gương sáng cho chúng ta thấy định kiến về việc chỉ con trai có thể học lập trình là sai.

Hình ảnh Margaret Hamilton và số mã code bà đã viết cho chương trình Apollo (source: news.mit.edu)

Một nghiên cứu khác cho thấy, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ sẽ có thu nhập cao hơn 35% so với phụ nữ làm ở các lĩnh vực phi công nghệ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty lớn đang chủ động tìm kiếm các nữ lập trình viên, điển hình là Apple khi gần đây họ đã khẳng định muốn tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực công nghệ. Chính vì thế cơ hội việc làm là rộng mở cho bất kỳ ai dù là nam hay nữ. Đương nhiên, tiếp xúc với lập trình từ sớm sẽ là một lợi thế lớn, đặc biệt là với các mầm non tương lai.

Source: Kevin Chen Medium

Việc học lập trình không chỉ nâng cao tư duy logic mà còn phát triển trí tưởng tượng, tính kiên nhẫn, phán đoán thẩm mỹ và kỹ năng thiết kế của trẻ. Vì thế, ngay cả với các bé không có định hướng theo lập trình lâu dài, đây vẫn sẽ là một kỹ năng nền quý giá, giúp ích cho bất kỳ ngành nghề nào mà các em muốn hướng đến trong tương lai.

Học lập trình không hề phân biệt giới tính hay thậm chí tuổi tác, điểm mấu chốt là niềm đam mê, và tính cách dám thử thách, không ngại khó. Giúp trẻ nhận ra việc học lập trình không chỉ mang lại lợi ích mà còn có rất nhiều niềm vui cũng là điều mà STEAM for Vietnam hướng đến.

STEAM for Vietnam sẽ tổ chức Coding Bootcamp 2020 theo hình thức Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam vào mùa hè năm nay, tập trung vào chương trình dạy Lập trình Máy tính cho các em học sinh. Chương trình được thiết kế phù hợp với các bạn nhỏ ở cấp THCS, đặc biệt từ lớp 6 tới lớp 8 nhưng học sinh ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.

Theo dõi thông tin trên STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020: https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Nguồn tham khảo:

https://www.internationalschoolparent.com/articles/why-is-it-important-to-teach-programming-to-girls/

https://quantrimang.com/10-bong-hong-tuyet-voi-nhat-moi-thoi-dai-trong-lang-lap-trinh-161638

https://www.space.com/34885-grace-hopper-biography.html

https://code.likeagirl.io/11-resources-for-women-who-want-to-learn-to-code-79ee4ba74f79

https://funtech.co.uk/latest/why-should-girls-learn-to-code

https://www.computerworld.com/article/3433260/apple-wants-and-needs-more-female-coders.html

Chuyên mục
Học viên Khám phá Về Chúng tôi Vui cùng STEAM

5 Phương Pháp Nuôi Dạy Trẻ Mà Phụ Huynh Nào Cũng Nên Biết

Trong cuộc sống hiện đại, việc tạo ra cũng như duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái đã được quan tâm đến ngay từ trước khi bé chào đời.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồng hành với việc học của con sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng như cải thiện kết quả học tập, định hướng tư duy, kết nối tình cảm gia đình và giúp cha mẹ nắm bắt những thay đổi tâm lý của con một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh việc cùng học văn hóa, thì việc truyền thụ những kỹ năng sống cho con ở môi trường mới không chỉ là trách nhiệm của thầy cô mà sự phối hợp của gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng.

  1. Thường xuyên “Nâng Cấp” kiến thức bản thân

Khoảng cách thế hệ luôn là một vấn đề lớn trong việc nuôi dạy con cái. Mỗi một giây trôi qua, thế giới đều không ngừng phát triển, vô vàn những thông tin, sự kiện hay phát minh mới được ra đời. Ngoài làm một người cha, người mẹ của con, sẽ còn tuyệt vời hơn nếu phụ huynh có thể trở thành một người bạn thân thiết với trẻ bằng cách tự trau dồi kiến thức mới. Từ đó, hiểu rõ hơn về thế giới và thông tin trẻ đang tiếp xúc hằng ngày.

Để tránh hiểu lầm vì sự cách biệt tuổi tác, hãy tìm hiểu nhiều hơn về thế hệ của con, thẳng thắn nhìn nhận rằng đôi khi suy nghĩ của bản thân đã không còn phù hợp với những thay đổi ngày nay. Thay vì đẩy trẻ ra xa, áp đặt trẻ phải theo ý mình và bảo thủ với quan điểm cá nhân, hãy kéo trẻ gần lại bằng cách đặt mình vào vị trí của trẻ, từ đó học cách thông cảm, vị tha.

Tuy nhiên, phụ huynh phải luôn nhớ rằng, “hoà nhập chứ không hoà tan”, hiểu tâm lý con nhưng vẫn nên có chính kiến riêng để phân tích và định hướng cho con khi cần.

Giáo dục trẻ bằng tình yêu và kinh nghiệm của những người đi trước kết hợp với sự thấu hiểu con người lẫn thời cuộc. Giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không nuông chiều con mà là tôn trọng con, từ đó con cái cũng sẽ dành cho cha mẹ sự kính nể, tôn trọng tương xứng.

Nguồn: Juliana Rabelo

2. Thay đổi những chi tiết nhỏ trong lời nói, lời dạy hằng ngày với con

Người ta thường nói “trẻ em như tờ giấy trắng” — vào những năm tháng đầu đời, hành động hay lời nói từ cha mẹ góp phần quan trọng trong việc định hình tính cách và suy nghĩ của trẻ sau này. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến lời nói của mình với con, đôi khi chỉ là các thay đổi nhỏ trong câu từ cũng có thể đem lại hiệu quả bất ngờ! Ví dụ như:

  • Lúc con bạn ủ rũ khi bài kiểm tra bị 8 điểm chỉ vì một lỗi sai

Trường hợp này thay vì tập trung vào một lỗi sai để khiển trách và thúc ép con học nhiều hơn hoặc so sánh con với “con nhà người ta”, cha mẹ hãy khéo léo nói với con rằng “Quan trọng là con đã biết sai ở đâu”. Hãy giúp con hiểu ra kiến thức mới là cốt lõi chứ không phải điểm số. Điểm số cao cũng tốt nhưng quan trọng là con đã nhận ra lỗi sai và học hỏi được từ nó.

Một ví dụ đơn giản hơn:

  • Khi con bạn khoe bạn một bức tranh với màu sắc không hài hoà.

Thay vì chê bai “Các màu con tô trông ghê quá!” hãy cùng ngồi xuống sửa lại bức tranh với con. Hãy nói với con rằng “ Mình thêm vài màu ở đây trông sẽ đẹp hơn”. Như vậy, trẻ sẽ không cảm thấy tự ti đồng thời giúp trẻ hiểu và học cách khắc phục điểm yếu của mình.

Nguồn: Comic Media Academy

3. Tin tưởng và ủng hộ trẻ phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở thích của bản thân!

Mỗi một cá thể trên thế giới từ khi sinh ra đều mang trong mình những sứ mệnh, khả năng riêng. Vì lẽ đó, phụ huynh đừng vội khẳng định con mình không có năng khiếu trong bất kì một lĩnh vực nào. Hãy cho trẻ thêm thời gian, cơ hội để khám phá và tìm hiểu chính bản thân.

Thường xuyên để ý tới những hoạt động trong trường của con, bộ môn nào con giỏi nhất, thích nhất. Từ đó, động viên và tạo điều kiện để con phát triển hơn. Có thể là thỉnh thoảng tìm hiểu và mua tặng con vài quyển sách, bộ phim liên quan tới bộ môn đó. Một món quà thiết thực nhưng cũng không kém phần tâm lý phải không?

Ngoài ra, khi hiểu rõ điểm mạnh và nắm bắt được thói quen học của con, biết con thích những môn theo hướng khoa học hay xã hội. Từ đó, phụ huynh có thể chọn được cho mình các phương pháp dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn: Troche

4. Ngoài làm thầy, làm bạn hãy làm học trò của con!

Thay vì mỗi ngày đều tra hỏi, kiểm tra bài cũ của con một cách rập khuôn, hãy thay đổi bằng các hình thức khéo léo khác. Cùng gợi ý, khuyến khích trẻ nhớ lại những kiến thức đã học ở trường. Cụ thể như đặt ra những câu hỏi “thắc mắc” để kích thích tư duy của trẻ.

Phụ huynh cần đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra cho thầy cô ở trường, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tìm hiểu những điều mình muốn biết. Trong những trường hợp này, nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ khẳng định bản thân. Ví dụ những câu hỏi gợi ý như:

  • Hôm nay đi chợ, mẹ mua 8 quả táo, một quả táo là 12 nghìn vậy tổng cộng mua 8 quả táo thì mẹ phải trả bao nhiêu nhỉ?
  • Này con, tại sao khi trời nắng mẹ con mình trú dưới bóng cây lại cảm thấy mát mẻ thế?
  • Con của mẹ thông minh quá, điều gì không hiểu mẹ hỏi con đều giải đáp được, trên lớp có điều gì không hiểu con có hay hỏi lại cô giáo không?
Nguồn: Valeria-Art

5. Đừng vội cấm đoán những gì bạn cho là thói quen xấu của con, hãy nhân cơ hội biến “nguy thành may”

Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Phụ huynh thường trở nên lo lắng khi thấy con liên tục ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại, hay tivi. Sợ rằng con sẽ bị lạm dụng vào các thiết bị điện tử hay dành thời gian quá nhiều cho những thứ vô bổ.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên cấm trẻ tuyệt đối không sử dụng máy tính, điện thoại hay tivi, thay vào đó hãy quy định thời gian. Ví dụ một ngày trẻ sẽ được bao nhiêu tiếng dành cho việc giải trí, và trẻ có thể chọn lựa giữa việc đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, dùng máy tính, v.v. Điều này sẽ giúp cân bằng lại thời gian biểu của trẻ dành cho vui chơi lẫn học tập. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng những phần mềm như Youtube Kids, nơi nội dung đã được kiểm duyệt và chọn lọc dành riêng cho trẻ em.

Nguồn: healthplus.vn

Thực tế, việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ sớm không phải là một chuyện xấu, chỉ cần là tiếp xúc theo hướng tích cực, đúng nội dung và vừa đủ!

Chắc hẳn ai cũng biết, những nhân vật thành công như Bill Gates — tỷ phú giàu nhất thế giới, Larry Page — giám đốc điều hành Google hay Elon Musk — người sáng lập SpaceX.

Họ đều là những người đã tiếp xúc với lập trình máy tính từ khi 12, 13 tuổi thậm chí là từ lúc vừa biết viết, biết đọc. Có thể thấy rằng, khi điều kiện còn thiếu thốn, máy móc lạc hậu, cùng là chiếc máy tính nhưng họ đã học, chơi và tìm hiểu nó theo một cách khác, cũng chính nhờ điều đó mà đã mang lại cho họ vô vàn thành tựu đáng nể.

Nguồn: Foxbusiness.com

Nhìn lại thời điểm hiện tại, công nghệ đã phát triển vượt bậc, thiết bị điện tử cũng nhờ đó tân tiến hơn, trẻ em bây giờ đã có thêm rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi bài bản với lập trình. Nhiều phần mềm tập lập trình được sinh ra tiêu biểu như Scratch, kết hợp giữa học và chơi, vừa giúp trẻ giải trí vừa dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng bổ ích. Từ đó, khả năng trẻ khai phá được giới hạn của bản thân và tạo ra những điều phi thường là hoàn toàn khả thi.

STEAM for Vietnam mong muốn truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt. Coding Bootcamp 2020 theo hình thức học trực tuyến Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam sẽ được STEAM for Vietnam tổ chức vào mùa hè này. Học sinh ở bất cứ độ tuổi và trình độ nào cũng có thể tham gia chương trình, đặc biệt chương được thiết kế phù hợp nhất cho các em lứa tuổi cấp Hai.

Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Email: hello@steamforvietnam.org

Website: https://www.steamforvietnam.org

Các nguồn tham khảo:

“Đâu là phương pháp học cùng con tốt nhất cho các bố mẹ hiện đại” https://www.marrybaby.vn/be-tu-4-den-6-tuoi/phuong-phap-hoc-cung-con-tot-nhat

“Học cùng con điều mà cha mẹ đang dần quên” http://nhatvietedu.vn/29-cam-nang/danh-cho-cha-me/1931-hoc-cung-con-dieu-ma-cha-me-dang-dan-quen.html

“Những điều cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ” https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhung-dieu-cha-me-can-day-con-ngay-tu-khi-con-nho-503875.html