Chuyên mục
Học viên Khám phá Về Chúng tôi Vui cùng STEAM

5 Phương Pháp Nuôi Dạy Trẻ Mà Phụ Huynh Nào Cũng Nên Biết

Trong cuộc sống hiện đại, việc tạo ra cũng như duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái đã được quan tâm đến ngay từ trước khi bé chào đời.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồng hành với việc học của con sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng như cải thiện kết quả học tập, định hướng tư duy, kết nối tình cảm gia đình và giúp cha mẹ nắm bắt những thay đổi tâm lý của con một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh việc cùng học văn hóa, thì việc truyền thụ những kỹ năng sống cho con ở môi trường mới không chỉ là trách nhiệm của thầy cô mà sự phối hợp của gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng.

  1. Thường xuyên “Nâng Cấp” kiến thức bản thân

Khoảng cách thế hệ luôn là một vấn đề lớn trong việc nuôi dạy con cái. Mỗi một giây trôi qua, thế giới đều không ngừng phát triển, vô vàn những thông tin, sự kiện hay phát minh mới được ra đời. Ngoài làm một người cha, người mẹ của con, sẽ còn tuyệt vời hơn nếu phụ huynh có thể trở thành một người bạn thân thiết với trẻ bằng cách tự trau dồi kiến thức mới. Từ đó, hiểu rõ hơn về thế giới và thông tin trẻ đang tiếp xúc hằng ngày.

Để tránh hiểu lầm vì sự cách biệt tuổi tác, hãy tìm hiểu nhiều hơn về thế hệ của con, thẳng thắn nhìn nhận rằng đôi khi suy nghĩ của bản thân đã không còn phù hợp với những thay đổi ngày nay. Thay vì đẩy trẻ ra xa, áp đặt trẻ phải theo ý mình và bảo thủ với quan điểm cá nhân, hãy kéo trẻ gần lại bằng cách đặt mình vào vị trí của trẻ, từ đó học cách thông cảm, vị tha.

Tuy nhiên, phụ huynh phải luôn nhớ rằng, “hoà nhập chứ không hoà tan”, hiểu tâm lý con nhưng vẫn nên có chính kiến riêng để phân tích và định hướng cho con khi cần.

Giáo dục trẻ bằng tình yêu và kinh nghiệm của những người đi trước kết hợp với sự thấu hiểu con người lẫn thời cuộc. Giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không nuông chiều con mà là tôn trọng con, từ đó con cái cũng sẽ dành cho cha mẹ sự kính nể, tôn trọng tương xứng.

Nguồn: Juliana Rabelo

2. Thay đổi những chi tiết nhỏ trong lời nói, lời dạy hằng ngày với con

Người ta thường nói “trẻ em như tờ giấy trắng” — vào những năm tháng đầu đời, hành động hay lời nói từ cha mẹ góp phần quan trọng trong việc định hình tính cách và suy nghĩ của trẻ sau này. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến lời nói của mình với con, đôi khi chỉ là các thay đổi nhỏ trong câu từ cũng có thể đem lại hiệu quả bất ngờ! Ví dụ như:

  • Lúc con bạn ủ rũ khi bài kiểm tra bị 8 điểm chỉ vì một lỗi sai

Trường hợp này thay vì tập trung vào một lỗi sai để khiển trách và thúc ép con học nhiều hơn hoặc so sánh con với “con nhà người ta”, cha mẹ hãy khéo léo nói với con rằng “Quan trọng là con đã biết sai ở đâu”. Hãy giúp con hiểu ra kiến thức mới là cốt lõi chứ không phải điểm số. Điểm số cao cũng tốt nhưng quan trọng là con đã nhận ra lỗi sai và học hỏi được từ nó.

Một ví dụ đơn giản hơn:

  • Khi con bạn khoe bạn một bức tranh với màu sắc không hài hoà.

Thay vì chê bai “Các màu con tô trông ghê quá!” hãy cùng ngồi xuống sửa lại bức tranh với con. Hãy nói với con rằng “ Mình thêm vài màu ở đây trông sẽ đẹp hơn”. Như vậy, trẻ sẽ không cảm thấy tự ti đồng thời giúp trẻ hiểu và học cách khắc phục điểm yếu của mình.

Nguồn: Comic Media Academy

3. Tin tưởng và ủng hộ trẻ phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở thích của bản thân!

Mỗi một cá thể trên thế giới từ khi sinh ra đều mang trong mình những sứ mệnh, khả năng riêng. Vì lẽ đó, phụ huynh đừng vội khẳng định con mình không có năng khiếu trong bất kì một lĩnh vực nào. Hãy cho trẻ thêm thời gian, cơ hội để khám phá và tìm hiểu chính bản thân.

Thường xuyên để ý tới những hoạt động trong trường của con, bộ môn nào con giỏi nhất, thích nhất. Từ đó, động viên và tạo điều kiện để con phát triển hơn. Có thể là thỉnh thoảng tìm hiểu và mua tặng con vài quyển sách, bộ phim liên quan tới bộ môn đó. Một món quà thiết thực nhưng cũng không kém phần tâm lý phải không?

Ngoài ra, khi hiểu rõ điểm mạnh và nắm bắt được thói quen học của con, biết con thích những môn theo hướng khoa học hay xã hội. Từ đó, phụ huynh có thể chọn được cho mình các phương pháp dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn: Troche

4. Ngoài làm thầy, làm bạn hãy làm học trò của con!

Thay vì mỗi ngày đều tra hỏi, kiểm tra bài cũ của con một cách rập khuôn, hãy thay đổi bằng các hình thức khéo léo khác. Cùng gợi ý, khuyến khích trẻ nhớ lại những kiến thức đã học ở trường. Cụ thể như đặt ra những câu hỏi “thắc mắc” để kích thích tư duy của trẻ.

Phụ huynh cần đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra cho thầy cô ở trường, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tìm hiểu những điều mình muốn biết. Trong những trường hợp này, nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ khẳng định bản thân. Ví dụ những câu hỏi gợi ý như:

  • Hôm nay đi chợ, mẹ mua 8 quả táo, một quả táo là 12 nghìn vậy tổng cộng mua 8 quả táo thì mẹ phải trả bao nhiêu nhỉ?
  • Này con, tại sao khi trời nắng mẹ con mình trú dưới bóng cây lại cảm thấy mát mẻ thế?
  • Con của mẹ thông minh quá, điều gì không hiểu mẹ hỏi con đều giải đáp được, trên lớp có điều gì không hiểu con có hay hỏi lại cô giáo không?
Nguồn: Valeria-Art

5. Đừng vội cấm đoán những gì bạn cho là thói quen xấu của con, hãy nhân cơ hội biến “nguy thành may”

Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Phụ huynh thường trở nên lo lắng khi thấy con liên tục ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại, hay tivi. Sợ rằng con sẽ bị lạm dụng vào các thiết bị điện tử hay dành thời gian quá nhiều cho những thứ vô bổ.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên cấm trẻ tuyệt đối không sử dụng máy tính, điện thoại hay tivi, thay vào đó hãy quy định thời gian. Ví dụ một ngày trẻ sẽ được bao nhiêu tiếng dành cho việc giải trí, và trẻ có thể chọn lựa giữa việc đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, dùng máy tính, v.v. Điều này sẽ giúp cân bằng lại thời gian biểu của trẻ dành cho vui chơi lẫn học tập. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng những phần mềm như Youtube Kids, nơi nội dung đã được kiểm duyệt và chọn lọc dành riêng cho trẻ em.

Nguồn: healthplus.vn

Thực tế, việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ sớm không phải là một chuyện xấu, chỉ cần là tiếp xúc theo hướng tích cực, đúng nội dung và vừa đủ!

Chắc hẳn ai cũng biết, những nhân vật thành công như Bill Gates — tỷ phú giàu nhất thế giới, Larry Page — giám đốc điều hành Google hay Elon Musk — người sáng lập SpaceX.

Họ đều là những người đã tiếp xúc với lập trình máy tính từ khi 12, 13 tuổi thậm chí là từ lúc vừa biết viết, biết đọc. Có thể thấy rằng, khi điều kiện còn thiếu thốn, máy móc lạc hậu, cùng là chiếc máy tính nhưng họ đã học, chơi và tìm hiểu nó theo một cách khác, cũng chính nhờ điều đó mà đã mang lại cho họ vô vàn thành tựu đáng nể.

Nguồn: Foxbusiness.com

Nhìn lại thời điểm hiện tại, công nghệ đã phát triển vượt bậc, thiết bị điện tử cũng nhờ đó tân tiến hơn, trẻ em bây giờ đã có thêm rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi bài bản với lập trình. Nhiều phần mềm tập lập trình được sinh ra tiêu biểu như Scratch, kết hợp giữa học và chơi, vừa giúp trẻ giải trí vừa dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng bổ ích. Từ đó, khả năng trẻ khai phá được giới hạn của bản thân và tạo ra những điều phi thường là hoàn toàn khả thi.

STEAM for Vietnam mong muốn truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt. Coding Bootcamp 2020 theo hình thức học trực tuyến Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam sẽ được STEAM for Vietnam tổ chức vào mùa hè này. Học sinh ở bất cứ độ tuổi và trình độ nào cũng có thể tham gia chương trình, đặc biệt chương được thiết kế phù hợp nhất cho các em lứa tuổi cấp Hai.

Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Email: hello@steamforvietnam.org

Website: https://www.steamforvietnam.org

Các nguồn tham khảo:

“Đâu là phương pháp học cùng con tốt nhất cho các bố mẹ hiện đại” https://www.marrybaby.vn/be-tu-4-den-6-tuoi/phuong-phap-hoc-cung-con-tot-nhat

“Học cùng con điều mà cha mẹ đang dần quên” http://nhatvietedu.vn/29-cam-nang/danh-cho-cha-me/1931-hoc-cung-con-dieu-ma-cha-me-dang-dan-quen.html

“Những điều cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ” https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhung-dieu-cha-me-can-day-con-ngay-tu-khi-con-nho-503875.html

Chuyên mục
Học kỳ Mùa xuân 2021 Học kỳ Mùa xuân 2023 Khám phá Khoá học Trại hè Lập trình 2020 Vui cùng STEAM

OMO Superclass Model & Live MOOC: Mô hình giáo dục cho tương lai

Ngay từ ban đầu, STEAM for Vietnam đã thiết kế nội dung và phát triển công nghệ để có thể phục vụ được số lượng lớn học viên, mỗi lớp học với cả ngàn học sinh cùng học đồng thời hay còn gọi là mô hình Superclass. Cụ thể, chương trình sẽ sử dụng phương pháp học trực tuyến Live MOOC và các bài giảng sẽ được thiết kế dưới hình thức online kết hợp offline — OMO Superclass Model, được xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam.

Để có thể hiểu rõ hơn về khóa học, hãy cùng STEAM for Vietnam tìm hiểu mô hình OMO & Live MOOC là gì và vì sao chúng mình lại lựa chọn hình thức này cho khóa học CS 101 sắp tới nhé!

1. Mô hình lớp học OMO & Live MOOC là gì?

OMO (online-merge-offline), là mô hình hợp nhất hỗ trợ các hoạt động giảng dạy trực tuyến (online), kết hợp với các hoạt động thể chất trực tiếp (offline).

Với phương thức học này, giảng viên sẽ giảng dạy và chia sẻ tài liệu thông qua các nền tảng trực tuyến. Các học viên sẽ có hai lựa chọn, hoặc là tự học ở nhà hoặc là tham gia các lớp học nhóm được tổ chức và tài trợ bởi các đối tác của STEAM for Vietnam trên cả nước. Với các lớp học nhóm, học viên sẽ theo dõi bài học qua livestream (truyền trực tiếp) từ các giảng viên ở Mỹ, ngoài ra có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ trợ giảng là các tình nguyện viên đã được đào tạo và cử tới tham gia các lớp học này. Qua đó, học viên với số lượng lớn dù ở bất kỳ đâu, thành thị hay nông thôn, đều có cơ hội như nhau để học bài giảng Livestream từ những giảng viên giỏi nhất, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tại chỗ từ các trợ giảng như những lớp học truyền thống.

Mô hình Online kết hợp Offline (Online-merge-Offline)

MOOC (Massive Open Online Courses) là phương pháp dạy và học trực tuyến với quy mô lớn, số lượng người đăng kí khoá học có thể lên đến hàng nghìn người và thường không ràng buộc về điều kiện tham dự.

Dù mới xuất hiện từ năm 2008, nhưng hình thức học này đã sớm bùng nổ và được phổ biến rộng rãi tại các trường Đại học trên toàn thế giới. Theo Wikipedia, năm 2012 đã đánh dấu mức độ lan tỏa của MOOC khi nhận được phản hồi tích cực từ các học viên nhờ tính năng tương tác tốt, quản lý tiến độ khóa học ổn định và các bài thi được nâng cao chất lượng.

MOOC truyền thống thường sử dụng các video được quay sẵn để người học tự xem, sau đó làm các bài kiểm tra cùng bài thi và kết thúc khoá học theo khả năng học của mình. Mô hình này đáp ứng rất tốt cho lứa tuổi Trung học Phổ thông trở lên, có khả năng tập trung cũng như khả năng tự học cao. Tuy nhiên, với các đối tượng học viên lứa tuổi còn trẻ như cấp Tiểu học hoặc Trung học Cơ sở thì nó sẽ không phù hợp vì đa số các em có thời gian tập trung ngắn và khả năng tự học một mình chưa cao.

Vì vậy, STEAM for Vietnam cải tiến kiến trúc mô hình MOOC thành Live MOOC với tất cả các bài giảng được thực hiện bằng livestream để các học viên có sự tương tác nhất định, bên cạnh đó giảng viên có thể nhắc học viên ghi nhớ những phần quan trọng của bài giảng cũng như kêu gọi sự chú ý và tập trung của các em.

Phương học trực tuyến Live MOOC (Massive Open Online Courses)

Hai mô hình này tập trung vào việc hỗ trợ các bài giảng của giáo viên và học sinh xuyên suốt quá trình dạy và học. Chỉ qua kết nối với máy tính hoặc các thiết bị di động khác, các em học sinh có thể xem lại bài giảng và tương tác với giảng viên và các học viên khác mọi lúc mọi nơi.

2. Vì sao lại chọn mô hình OMO & Live MOOC?

Không phải tất cả học sinh đều học theo cùng một cách, một số học sinh tiếp thu nhanh thông qua việc quan sát và lắng nghe, trong khi những học sinh khác thực tế hơn, cần phải tương tác và thực hiện các hoạt động để có thể tiếp thu bài học. Chính vì thế, mô hình OMO kết hợp giữa hai cách học trên sẽ tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm khóa học một cách tốt nhất.

Trải ngiệm học trực tuyến với OMO & Live MOOC

Qua hình thức học OMO và lớp học Live MOOC, các em học sinh trên toàn quốc có thể tiếp cận với chương trình học Lập trình đẳng cấp thế giới hoàn toàn miễn phí, chỉ đơn giản với một chiếc máy tính và kết nối Internet!

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học viên, dạy và học trên mô hình lớp học OMO cùng phương pháp Live MOOC còn có các lợi ích sau:

  • Chỉ cần một số lượng giảng viên giỏi nhất định là có thể phục vụ được một lượng đối tượng học viên lớn
  • Tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng nắm bắt và đánh giá học sinh
  • Kết quả học tập của học viên tốt hơn thông qua việc sử dụng các phương tiện thông tin đa dạng
  • Phát triển các kỹ năng tập thể cũng như thúc đẩy các học viên cùng học tập và trao đổi kinh nghiệm
  • Thời gian linh hoạt hơn
  • Giảm nhu cầu và chi phí di chuyển
  • Giảm các dạng chi phí đào tạo
Lợi ích của mô hình OMO & Live MOOC

3. Ứng dụng thực tiễn của mô hình OMO và Live MOOC

Tại Đại học Mở Thượng Hải (ShangHai Open University), mô hình OMO đã được giả lập và áp dụng trong một số lớp học. Qua khảo sát, tất cả sinh viên và giáo viên đều có thái độ tích cực đối với trải nghiệm dạy và học trên mô hình OMO. Toàn bộ số học viên và 94.4% giáo viên bày tỏ sẵn sàng sử dụng OMO trong tương lai. So sánh với lớp học thông thường, sử dụng mô hình OMO, các bạn sinh viên đã có thể sắp xếp thời gian và địa điểm học linh hoạt hơn, đồng thời vẫn nhận được sự hỗ trợ từ các hướng dẫn viên bên ngoài, nhờ đó cải thiện chất lượng học đáng kể.

Thêm vào đó, ngày càng nhiều các trường Đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Princeton, v.v. đã áp dụng các lớp học MOOC này, thông qua các nền tảng học trực tuyến bao gồm CourseraUdacity, và edX. David Malan, một giáo sư trẻ tại Đại học Harvard, đã thiết kế và dạy khóa học CS50 — chương trình Lập trình căn bản cho sinh viên ngành Khoa học Máy tính trên edX. Sức ảnh hưởng của CS50 đã vươn xa trên khắp thế giới, thu hút hàng triệu sinh viên đăng ký và trở thành hình mẫu cho rất nhiều dự án cũng như lớp học theo hình thức MOOC. Ngoài ra, khoá học đã truyền cảm hứng cho các hoạt động vệ tinh trên mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực.

Tuy OMO & Live MOOC vẫn còn mới lạ đối với giáo dục Việt Nam, các mô hình giáo dục này đã sớm nhận được phản hồi tích cực từ hàng triệu giáo viên cũng như học sinh, sinh viên trên khắp thế giới. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể trông đợi hình thức giáo dục mới này được áp dụng bởi nhiều tổ chức và trường học trên thế giới hơn nữa, hứa hẹn đem lại môi trường giáo dục tối ưu cho các em qua những phương pháp dạy và học đầy tính đột phá.

— — —

Thông qua các phương pháp học trên, STEAM for Vietnam mong muốn giới thiệu với các em nhỏ Việt Nam mô hình giáo dục đẳng cấp thế giới này, để các em bước đầu tiếp xúc với chúng và tạo nền tảng mới cho phương thức học tập của thế hệ trẻ Việt sau này.

Để có thể truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, tiếp nối một năm đầy bùng nổ với hành trình STEAM Bus mang các workshop miễn phí về lập trình và Robotics tới 5 tỉnh thành trên cả nước và giải đấu National Robotics VEX IQ Tournament, STEAM for Vietnam chính thức khai giảng Spring Coding Bootcamp – Học kỳ Mùa xuân 2023 với 2 khoá học lập trình về Scratch và Python. Trong suốt 3 năm qua, hai khoá học này đã thu hút hàng chục nghìn học sinh người Việt trên 33 quốc gia, góp phần tạo nên thương hiệu của STEAM for Vietnam.

 Tìm hiểu thêm về các lớp học: https://www.steamforvietnam.org/courses

 Đăng ký khóa học lập trình mùa xuân 2023: https://steamforvietnam.org/form/50

— — —

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

— — —

📧Email: hello@steamforvietnam.org

🌐Website: www.steamforvietnam.org

🌐Fanpage: STEAM for Vietnam

📺YouTube:  http://bit.ly/S4V_YT

🌐Zalo: Zalo Official

📍Donation: https://www.steamforvietnam.org/donation

Chuyên mục
Khám phá Vui cùng STEAM

Học Lập Trình là Phải Trở Thành Lập Trình Viên?

Trong một bài phỏng vấn ở Pháp vào năm 2017, vị CEO từng chia sẻ rằng: “Nếu tôi là một cậu bé học sinh mười tuổi người Pháp, thay vì chọn học tiếng Anh, tôi sẽ chọn học ngôn ngữ lập trình. Không phải tôi đang nói rằng chúng ta không cần học tiếng Anh, nhưng ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ duy nhất mà chúng ta có thể dùng để giao tiếp với 7 tỉ người trên trái đất này. Đó là thứ ngôn ngữ tuyệt vời mà bạn có thể thỏa sức sáng tạo cùng những thuật toán.”

Việc tiếp cận với ngôn ngữ lập trình từ sớm cũng quan trọng như việc cho các em làm quen với ngôn ngữ Anh vậy. Trẻ em học ngoại ngữ từ sớm không hẳn vì để sau này trở thành thông dịch viên, mà còn để vận dụng vào rất nhiều công việc khác. Học lập trình cũng vậy. Không nhất thiết học lập trình là sau này phải trở thành lập trình viên. Đây chính là thứ ngôn ngữ kích thích sự phát triển toàn diện ở trẻ. Việc học lập trình từ sớm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các em, giúp các em phát triển toàn diện.

Lập trình giúp các em luyện tư duy logic.

Với mỗi câu lệnh IF-THEN (Nếu như — Thì), các em sẽ rèn luyện được cách tư duy nguyên nhân — kết quả, tự mình chia nhỏ vấn đề, đưa ra các giải pháp và kiểm nghiệm tính khả thi của giải pháp đó.

Source: teachstarter

Lập trình giúp nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của các em.

Có rất nhiều cách để giải quyết một bài toán, lập trình giúp các em suy nghĩ vấn đề từ nhiều chiều, và đưa ra nhiều cách để thiết lập và thử nghiệm ý tưởng mới. Ngoài ra, học lập trình cũng như là học một ngôn ngữ mới. Mà khi học bất cứ một ngôn ngữ nào, chúng ta thường dùng nó để thể hiện suy nghĩ của bản thân. Học lập trình chính là quá trình để các em tự thể hiện bản thân qua các ý tưởng mới. Giờ đây, các em không chỉ đơn giản sử dụng công nghệ, mà thậm chí còn có cơ hội tạo ra công nghệ cho chính mình.

Source: Natalie Matthews-Ramo

Học lập trình là cả quá trình rèn luyện tính kiên nhẫn.

Học lập trình sẽ là cơ hội để các em hiểu phần nào cách mà các trò chơi như Candy Crush hay Flabby Bird được thiết kế và tạo lập. Nhưng hiểu thôi chưa đủ, để học và tạo nên những chương trình của chính mình, các em cần có sự kiền trì, sẵn sàng thử nghiệm và tự kiểm nghiệm quá trình đó để đi được đến kết quả tốt nhất. Tính kiên nhẫn của các em sẽ luôn bị thử thách khi phải tự mình xây dựng trò chơi/dự án, thay đổi màu sắc hay tính năng của các nhân vật trong trò chơi, chạy thử chương trình và tìm ra lỗi để chỉnh sửa, vv…

Source: STEAM for Vietnam

Lập trình là quá trình học và ứng dụng ngôn ngữ của máy tính. Ngôn ngữ lập trình không khô khan như chúng ta vẫn nghĩ. Và có lẽ, với một cách giảng dạy đổi mới và đúng cách, việc học ngôn ngữ lập trình đối với các em học sinh, cũng sẽ thú vị như mỗi ngày đến trung tâm anh ngữ trò chuyện cũng thầy cô bản ngữ “Hi! How are you! My name is ____.”

Và dù là ngôn ngữ Anh hay ngôn ngữ lập trình, thì chắc chắn một điều là cả hai đều sẽ giúp các em hội nhập với thế giới số của kỉ nguyên 4.0!

STEAM for Vietnam sẽ tổ chức Coding Bootcamp 2020 theo hình thức Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam vào mùa hè năm nay, tập trung vào chương trình dạy Lập trình Máy tính cho các em học sinh. Học sinh ở bất cứ độ tuổi và trình độ nào cũng có thể tham gia chương trình này. Tuy nhiên chương trình được thiết kế phù hợp nhất với các bạn nhỏ ở lứa tuổi cấp Hai.

Theo dõi thông tin trên STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những cập nhật mới nhất về Coding Bootcamp 2020: https://www.facebook.com/steamforvietnam.org