Chuyên mục
Học viên Về Chúng tôi

Gặp gỡ top lập trình viên nhí xuất sắc từ khóa học CS 001

Hồ Nhật Quang (Hà Nội) – Giải Xuất sắc nhất

Trò chơi của bạn Hồ Nhật Quang (12 tuổi) vô cùng sáng tạo khi truyền tải thành công thông điệp 5K phòng chống COVID-19, mỗi màn chơi là một của bạn chính là sự tổng hợp của từng bài học trong khóa học CS 001 – đây chính là điều khiến Ban Giám khảo đánh giá rất cao khi Quang đã ghi nhớ tốt các kiến thức được thầy cô giảng dạy. Hãy cùng STEAM for Vietnam tìm hiểu câu chuyện thú vị của lập trình viên nhí đã đạt giải Xuất sắc nhất từ phụ huynh của bạn nhé!

“Nguồn cảm hứng từ người thân trong gia đình đã đưa con nhà mình đến với lập trình và STEAM for Vietnam. Con có lập một kênh Youtube để review game, vì vậy con cũng tò mò những tựa game mình thường chơi được làm ra như thế nào. 

Trong quá trình thực hiện dự án, Nhật Quang đã có ý tưởng tạo một trò chơi có thể tổng kết được toàn bộ khoá học. Vì vậy con đã liên kết nhiều bài học với nhau.

Sau quá trình học hỏi và làm dự án tại STEAM for Vietnam, Nhật Quang đã học được sự kiên nhẫn trong khi học tập và làm việc. Ngoài ra, con đã biết quản lý thời gian tốt hơn để hoàn thiện dự án trong thời gian ngắn. Trải nghiệm tự làm một dự án đã giúp con hiểu hơn về lập trình và có mục tiêu cho mình trong tương lai. ” 

Link dự án: https://www.youtube.com/watch?v=50wBWMId9iU 

Nhóm CODER (An Giang) – Giải Xuất sắc nhất + Giải được Yêu thích nhất

Nhóm CODER gồm bạn Trần Trung Hiếu (12 tuổi) và Trần Hoàng Long (9 tuổi) đã  giành cùng lúc 2 giải thưởng từ buổi Demo Day cuối khoá với Giải Trò chơi Xuất sắc nhất và Giải được Yêu thích nhất. Trò chơi của nhóm đã rất sáng tạo khi đưa mọi người đi khám phá các địa danh của tỉnh An Giang cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai bạn cũng có bài thuyết trình rất tự tin và chuyên nghiệp. Chính nỗ lực này đã giúp nhóm CODER xuất sắc giành 2 giải thưởng của lớp CS 001: giải Trò chơi Xuất sắc nhất do Ban Giám khảo bình chọn và giải Yêu thích nhất do các bạn nhỏ khác bình chọn trên hệ thống STEAMese Profile.

“Trong suốt quá trình thực hiện dự án, hai anh em cùng bàn nhau phân chia công việc. Hoàng Long nhỏ hơn nên làm phần tìm kiếm thông tin về các địa danh của An Giang cùng phần nhạc nền. Còn Trung Hiếu kĩ năng tốt hơn nên làm phần nâng cao, tìm kiếm thêm ý tưởng cho dự án (biển đảo, phòng chống COVID – 19) và xử lý các lỗi phát sinh. 

Sau khóa học, các con đã học thêm được rất nhiều kỹ năng hữu ích, bao gồm: Lập bản thảo và hoàn thiện ý tưởng, thuyết trình, làm việc nhóm, xử lý lỗi code.”

Link dự án: https://www.youtube.com/watch?v=l7hEESrS2Gs 

Nhóm Kuties Ponies (Hoa Kỳ) – Giải Trò chơi Sáng tạo 

Nhóm Kutie Ponies của Bùi Nguyễn Phúc Khánh (12 tuổi) và Bùi Nguyễn An Nhiên (7 tuổi) đã xuất sắc giành Giải Trò chơi Sáng tạo với sự khen ngợi của các thầy cô STEAM for Vietnam. Ý tưởng dự án của hai em rất thú vị khi nói về hành trình thu thập các vật phẩm như khẩu trang, nước rửa tay, vaccine và tránh COVID-19. Đặc biệt, hai bạn nhỏ cũng chính là hai chị em ruột, đã cùng đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau trong dự án lập trình này. 

“Trong quá trình học tập, hai bé cũng gặp một số khó khăn. Những khái niệm về lập trình như biến, vòng lặp, tạo bản sao vẫn còn khó hiểu. Do đó, gia đình phải giải thích chi tiết, cặn kẽ cho các con và xem lại nhiều lần. Bởi vì hai bé có niềm đam mê với mỹ thuật và hoạt hình nên chị đã khuyến khích con làm game theo ý tưởng sáng tạo của riêng mình. 

Gia đình rất bất ngờ và tự hào khi hai con xuất sắc nhận Giải Trò chơi Sáng tạo. Đồng thời, chị mong rằng những thành công đầu tiên này sẽ khơi gợi niềm đam mê yêu thích lập trình của hai bé. Sau khi học ở STEAM for Vietnam, hai bé không chỉ học được những kiến thức lập trình bổ ích mà còn rèn giũa các kỹ năng mềm. Con chị đã hình thành khả năng tự học và làm việc nhóm thông qua những tranh luận giữa hai chị em khi làm dự án cuối khóa.”

Link dự án: https://www.youtube.com/watch?v=_o6w6GTq92c 

Nhóm Lập trình viên Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hồ Chí Minh) – Giải Nỗ lực 

Các học sinh Nguyễn Tấn Hy Hữu, Lê Xuân Ngọc Mai, Nguyễn Hàng Tâm Minh và Lê Đặng Huyền Trâm đã tạo ra nhóm Lập trình viên Việt Nam và xuất sắc giành Giải Nỗ lực của khóa CS 001 trong Trại hè Lập trình 2021. Dù các thành viên đều chỉ 10 tuổi, nhóm Lập trình viên Việt Nam được ban giám khảo đánh giá cao vì sự phối hợp ăn ý khi làm việc nhóm. Ý tưởng trò chơi là đưa chúng ta tham quan 5 thành phố cũng chính là quê hương của các thành viên trong nhóm. 

“Khi thực hiện dự án, bạn Trâm được phân công làm thư ký, chịu trách nhiệm chính trong việc liên lạc và tổng hợp đóng góp từ các bạn. Bạn Hữu thích lập trình nên con xung phong làm thêm các tính năng mới trong game. Còn 2 bạn Nga và Mai tìm hình backdrop cho game và test game.

 Ban đầu các con đều không rõ phải làm việc nhóm online như thế nào, nhưng sau buổi họp đầu tiên, các con đã có thể tự chủ động email/meeting làm online khá ăn ý. Các bố mẹ cũng bất ngờ khi con có thể tự chủ động sắp xếp hoàn thành công việc với nhau: Tự tạo link online để meeting qua Google Meet, Zoom; tự dùng email liên lạc sắp xếp thời gian làm online; remix nhiều project trên Scratch với nhau.”

Link dự án: https://www.youtube.com/watch?v=4zPa34hltdY 

Tạm kết

Dù các em học sinh của STEAM for Vietnam ở độ tuổi còn nhỏ thế nhưng đã rèn luyện được rất nhiều kỹ năng mềm khi hoàn thiện dự án cuối khóa.  Không chỉ vậy, các em còn đạt được những thành tích đáng nhớ, làm động lực để phát triển niềm đam mê lập trình tốt hơn trong tương lai. Phụ huynh quan tâm có thể đăng ký các khóa học sắp tới vào Học kỳ Mùa thu 2021 của STEAM for Vietnam. 

Học kỳ Mùa thu bắt đầu mở đơn đăng ký từ 01/09/2021 và dự kiến khai giảng vào cuối tháng 09 hoặc tháng 10/2021 (tuỳ khoá học). Hãy theo dõi fanpage của STEAM for Vietnam để cập nhập những thông tin mới nhất về khoá học nhé!

Đăng ký tham gia Học kỳ mùa Thu của STEAM for Vietnam: https://steamforvietnam.org/courses

— — —

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

— — —

📧Email: hello@steamforvietnam.org

🌐Website: www.steamforvietnam.org

🌐Fanpage: STEAM for Vietnam

📺YouTube:  http://bit.ly/S4V_YT

🌐Zalo: Zalo Official

Chuyên mục
Học viên Về Chúng tôi

Đi học Lập trình tại STEAM for Vietnam, con học thêm nhiều kỹ năng mềm hữu ích

“Con rất vui vì có cơ hội rèn luyện kỹ năng thuyết trình”

Giải thưởng Thuyết trình ấn tượng (Presentation Award) đã gọi tên Nguyễn Minh Thiện (10 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) vì sự tự tin, ngôn ngữ hình thể linh hoạt trong suốt quá trình thuyết trình về Dự án Cuối khoá Trí tuệ lập trình – trò chơi đố vui về lịch sử, toán học và lập trình. Không những được đánh giá cao về khả năng lập trình, ứng dụng linh hoạt các lệnh đã học, Minh Thiện cũng “ghi điểm” khi thuyết trình trôi chảy, dẫn dắt tự nhiên cùng bố cục bài thuyết trình hợp lý. 

Phụ huynh Minh Thiện cho biết con đã say mê với Scratch từ khi học tại STEAM for Vietnam trong Trại hè Lập trình 2021, sau đó tiếp tục khám phá Python nhờ sự dẫn dắt tận tình của các thầy cô lớp CS 001 trong Trại hè Lập trình 2021. Sau hai năm học, niềm đam mê lập trình của Minh Thiện lớn dần lên, là động lực để con tích cực giao lưu cùng các bạn trong khoá học, chủ động tự học, rèn luyện kỹ năng thuyết trình để thể hiện tốt nhất trong dự án cuối khóa. 

STEAM for Vietnam_Ky nang mem_Minh Thien
“Con rất vui vì cơ hội rèn luyện kỹ năng thuyết trình” – Nguyễn Minh Thiện

“Con được sáng tạo ra dự án mang phong cách riêng của con”

Từ chối làm theo những ý tưởng ba mẹ gợi ý, Bùi Hải Nam (10 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) luôn suy nghĩ về một dự án cuối khoá mới lạ và theo phong cách riêng của mình. Sau hơn một tuần nỗ lực, cùng ba thức tới 12h khuya để sửa bug, hoàn thiện hơn 600 dòng code, cuối cùng Hải Nam đã thực hiện được ý tưởng của mình. Những trò chơi trên lớp của thầy cô đã được “lột xác” trong dự án Đố vui lập trình: Phiên bản Python của Hải Nam với nhiều tính năng mới để khuyến khích người chơi như thưởng điểm, thưởng tiền cực hấp dẫn, mức thưởng tăng dần theo độ khó của câu hỏi. Cậu học sinh thích đổi mới này đã xứng đáng được nhận giải thưởng Trò chơi Sáng tạo (Creative Project Award) cho dự án cuối khóa đầy tâm huyết của mình.

STEAM for Vietnam_Ky nang mem_Hai Nam
“Con muốn sáng tạo ra dự án mang phong cách riêng” – Bùi Hải Nam

“Con có khả năng tự học và kỹ năng giao tiếp tốt hơn”

Giải thưởng mà các bạn nhỏ khao khát nhất sau khóa học có lẽ là Giải Xuất sắc nhất (Best Performance Award) dành cho những dự án đáp ứng đủ tất cả các yếu tố: ý tưởng & lập trình sáng tạo, thiết kế đặc sắc và thuyết trình ấn tượng. Và trong Trại hè Lập trình 2021, dự án “Ai là triệu phú” của bạn Đặng Kỳ Anh (12 tuổi, Phú Yên) gây ấn tượng tuyệt đối khi nhận được cùng lúc cả hai giải thưởng: Giải Xuất sắc nhất (Best Performance Award) do Ban Giám khảo đánh giá và Giải Được yêu thích nhất (People’s Choice Award) do học sinh bình chọn với 147 lượt yêu thích trên STEAMese Profile. 

Chia sẻ với STEAM for Vietnam, mẹ của Kỳ Anh cho biết con yêu thích lập trình từ sớm. Kỳ Anh đã từng tự mình loay hoay tìm cách học, không có lộ trình và người hướng dẫn bài bản. May mắn tìm được khóa học miễn phí ở STEAM for Vietnam, con rất hào hứng, mong đợi đến sáng Chủ nhật hàng tuần để được học vì thầy cô dạy tận tình và gặp nhiều bạn cùng đam mê. “Gia đình xin chân thành cảm ơn quý Thầy Cô, biết ơn chương trình đầy ý nghĩa này” – Phụ huynh chia sẻ.

STEAM for Vietnam_Ky nang mem_Ky Anh
“Con có khả năng tự học và kỹ năng giao tiếp tốt hơn” – Đặng Kỳ Anh

KẾT LUẬN

Giáo dục không phải là đổ đầy bình nước mà là thắp sáng ngọn lửa ham học(William Butler Yeats)

Với định hướng đó, các lớp học tại STEAM for Vietnam không chỉ nhằm mục đích truyền tải kiến thức lập trình cho các bạn học sinh, mà là môi trường học tập hiện đại, tích cực. Thầy cô luôn tôn trọng và giúp các em nuôi dưỡng đam mê lập trình, mài giũa tư duy logic cùng các kỹ năng mềm hữu ích.

Tiếp nối thành công của các học kỳ trước, STEAM for Vietnam chính thức mở đơn đăng ký cho Học kỳ Mùa thu 2021 với ba lớp học trực tuyến miễn phí, bao gồm:

CS 001 – Nhập môn Tư duy Máy tính và Ngôn ngữ Lập trình Scratch

CS 101 – Nhập môn Khoa học Máy tính với Python

CS 102 – Xây dựng Ứng dụng Web theo Kiến trúc Hiện đại

Các khóa học dự kiến sẽ diễn ra theo hình thức livestream trực tuyến vào sáng Thứ bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần, khai giảng vào cuối tháng 09/2021 hoặc cuối tháng 10/2021 (tùy theo khoá học) và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12/2021.

Link đăng ký: https://steamforvietnam.org/courses

Thời hạn đăng ký: 01/09/2021 – 15/09/2021  (gia hạn đến tháng 10/2021)

— — —

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

— — —

📧Email: hello@steamforvietnam.org

🌐Website: www.steamforvietnam.org

🌐Fanpage: STEAM for Vietnam

📺YouTube:  http://bit.ly/S4V_YT

🌐Zalo: Zalo Official

Chuyên mục
Học viên Khám phá Về Chúng tôi Vui cùng STEAM

5 Phương Pháp Nuôi Dạy Trẻ Mà Phụ Huynh Nào Cũng Nên Biết

Trong cuộc sống hiện đại, việc tạo ra cũng như duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái đã được quan tâm đến ngay từ trước khi bé chào đời.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồng hành với việc học của con sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng như cải thiện kết quả học tập, định hướng tư duy, kết nối tình cảm gia đình và giúp cha mẹ nắm bắt những thay đổi tâm lý của con một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh việc cùng học văn hóa, thì việc truyền thụ những kỹ năng sống cho con ở môi trường mới không chỉ là trách nhiệm của thầy cô mà sự phối hợp của gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng.

  1. Thường xuyên “Nâng Cấp” kiến thức bản thân

Khoảng cách thế hệ luôn là một vấn đề lớn trong việc nuôi dạy con cái. Mỗi một giây trôi qua, thế giới đều không ngừng phát triển, vô vàn những thông tin, sự kiện hay phát minh mới được ra đời. Ngoài làm một người cha, người mẹ của con, sẽ còn tuyệt vời hơn nếu phụ huynh có thể trở thành một người bạn thân thiết với trẻ bằng cách tự trau dồi kiến thức mới. Từ đó, hiểu rõ hơn về thế giới và thông tin trẻ đang tiếp xúc hằng ngày.

Để tránh hiểu lầm vì sự cách biệt tuổi tác, hãy tìm hiểu nhiều hơn về thế hệ của con, thẳng thắn nhìn nhận rằng đôi khi suy nghĩ của bản thân đã không còn phù hợp với những thay đổi ngày nay. Thay vì đẩy trẻ ra xa, áp đặt trẻ phải theo ý mình và bảo thủ với quan điểm cá nhân, hãy kéo trẻ gần lại bằng cách đặt mình vào vị trí của trẻ, từ đó học cách thông cảm, vị tha.

Tuy nhiên, phụ huynh phải luôn nhớ rằng, “hoà nhập chứ không hoà tan”, hiểu tâm lý con nhưng vẫn nên có chính kiến riêng để phân tích và định hướng cho con khi cần.

Giáo dục trẻ bằng tình yêu và kinh nghiệm của những người đi trước kết hợp với sự thấu hiểu con người lẫn thời cuộc. Giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không nuông chiều con mà là tôn trọng con, từ đó con cái cũng sẽ dành cho cha mẹ sự kính nể, tôn trọng tương xứng.

Nguồn: Juliana Rabelo

2. Thay đổi những chi tiết nhỏ trong lời nói, lời dạy hằng ngày với con

Người ta thường nói “trẻ em như tờ giấy trắng” — vào những năm tháng đầu đời, hành động hay lời nói từ cha mẹ góp phần quan trọng trong việc định hình tính cách và suy nghĩ của trẻ sau này. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến lời nói của mình với con, đôi khi chỉ là các thay đổi nhỏ trong câu từ cũng có thể đem lại hiệu quả bất ngờ! Ví dụ như:

  • Lúc con bạn ủ rũ khi bài kiểm tra bị 8 điểm chỉ vì một lỗi sai

Trường hợp này thay vì tập trung vào một lỗi sai để khiển trách và thúc ép con học nhiều hơn hoặc so sánh con với “con nhà người ta”, cha mẹ hãy khéo léo nói với con rằng “Quan trọng là con đã biết sai ở đâu”. Hãy giúp con hiểu ra kiến thức mới là cốt lõi chứ không phải điểm số. Điểm số cao cũng tốt nhưng quan trọng là con đã nhận ra lỗi sai và học hỏi được từ nó.

Một ví dụ đơn giản hơn:

  • Khi con bạn khoe bạn một bức tranh với màu sắc không hài hoà.

Thay vì chê bai “Các màu con tô trông ghê quá!” hãy cùng ngồi xuống sửa lại bức tranh với con. Hãy nói với con rằng “ Mình thêm vài màu ở đây trông sẽ đẹp hơn”. Như vậy, trẻ sẽ không cảm thấy tự ti đồng thời giúp trẻ hiểu và học cách khắc phục điểm yếu của mình.

Nguồn: Comic Media Academy

3. Tin tưởng và ủng hộ trẻ phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở thích của bản thân!

Mỗi một cá thể trên thế giới từ khi sinh ra đều mang trong mình những sứ mệnh, khả năng riêng. Vì lẽ đó, phụ huynh đừng vội khẳng định con mình không có năng khiếu trong bất kì một lĩnh vực nào. Hãy cho trẻ thêm thời gian, cơ hội để khám phá và tìm hiểu chính bản thân.

Thường xuyên để ý tới những hoạt động trong trường của con, bộ môn nào con giỏi nhất, thích nhất. Từ đó, động viên và tạo điều kiện để con phát triển hơn. Có thể là thỉnh thoảng tìm hiểu và mua tặng con vài quyển sách, bộ phim liên quan tới bộ môn đó. Một món quà thiết thực nhưng cũng không kém phần tâm lý phải không?

Ngoài ra, khi hiểu rõ điểm mạnh và nắm bắt được thói quen học của con, biết con thích những môn theo hướng khoa học hay xã hội. Từ đó, phụ huynh có thể chọn được cho mình các phương pháp dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn: Troche

4. Ngoài làm thầy, làm bạn hãy làm học trò của con!

Thay vì mỗi ngày đều tra hỏi, kiểm tra bài cũ của con một cách rập khuôn, hãy thay đổi bằng các hình thức khéo léo khác. Cùng gợi ý, khuyến khích trẻ nhớ lại những kiến thức đã học ở trường. Cụ thể như đặt ra những câu hỏi “thắc mắc” để kích thích tư duy của trẻ.

Phụ huynh cần đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra cho thầy cô ở trường, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tìm hiểu những điều mình muốn biết. Trong những trường hợp này, nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ khẳng định bản thân. Ví dụ những câu hỏi gợi ý như:

  • Hôm nay đi chợ, mẹ mua 8 quả táo, một quả táo là 12 nghìn vậy tổng cộng mua 8 quả táo thì mẹ phải trả bao nhiêu nhỉ?
  • Này con, tại sao khi trời nắng mẹ con mình trú dưới bóng cây lại cảm thấy mát mẻ thế?
  • Con của mẹ thông minh quá, điều gì không hiểu mẹ hỏi con đều giải đáp được, trên lớp có điều gì không hiểu con có hay hỏi lại cô giáo không?
Nguồn: Valeria-Art

5. Đừng vội cấm đoán những gì bạn cho là thói quen xấu của con, hãy nhân cơ hội biến “nguy thành may”

Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Phụ huynh thường trở nên lo lắng khi thấy con liên tục ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại, hay tivi. Sợ rằng con sẽ bị lạm dụng vào các thiết bị điện tử hay dành thời gian quá nhiều cho những thứ vô bổ.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên cấm trẻ tuyệt đối không sử dụng máy tính, điện thoại hay tivi, thay vào đó hãy quy định thời gian. Ví dụ một ngày trẻ sẽ được bao nhiêu tiếng dành cho việc giải trí, và trẻ có thể chọn lựa giữa việc đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, dùng máy tính, v.v. Điều này sẽ giúp cân bằng lại thời gian biểu của trẻ dành cho vui chơi lẫn học tập. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng những phần mềm như Youtube Kids, nơi nội dung đã được kiểm duyệt và chọn lọc dành riêng cho trẻ em.

Nguồn: healthplus.vn

Thực tế, việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ sớm không phải là một chuyện xấu, chỉ cần là tiếp xúc theo hướng tích cực, đúng nội dung và vừa đủ!

Chắc hẳn ai cũng biết, những nhân vật thành công như Bill Gates — tỷ phú giàu nhất thế giới, Larry Page — giám đốc điều hành Google hay Elon Musk — người sáng lập SpaceX.

Họ đều là những người đã tiếp xúc với lập trình máy tính từ khi 12, 13 tuổi thậm chí là từ lúc vừa biết viết, biết đọc. Có thể thấy rằng, khi điều kiện còn thiếu thốn, máy móc lạc hậu, cùng là chiếc máy tính nhưng họ đã học, chơi và tìm hiểu nó theo một cách khác, cũng chính nhờ điều đó mà đã mang lại cho họ vô vàn thành tựu đáng nể.

Nguồn: Foxbusiness.com

Nhìn lại thời điểm hiện tại, công nghệ đã phát triển vượt bậc, thiết bị điện tử cũng nhờ đó tân tiến hơn, trẻ em bây giờ đã có thêm rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi bài bản với lập trình. Nhiều phần mềm tập lập trình được sinh ra tiêu biểu như Scratch, kết hợp giữa học và chơi, vừa giúp trẻ giải trí vừa dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng bổ ích. Từ đó, khả năng trẻ khai phá được giới hạn của bản thân và tạo ra những điều phi thường là hoàn toàn khả thi.

STEAM for Vietnam mong muốn truyền tải sứ mệnh này đến với thế hệ trẻ Việt Nam, bước đầu thông qua hình thức dạy Lập trình qua ngôn ngữ Scratch — với hơn 150 quốc gia đã đưa vào sử dụng và có sẵn trong hơn 40 ngôn ngữ bao gồm Tiếng Việt. Coding Bootcamp 2020 theo hình thức học trực tuyến Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam sẽ được STEAM for Vietnam tổ chức vào mùa hè này. Học sinh ở bất cứ độ tuổi và trình độ nào cũng có thể tham gia chương trình, đặc biệt chương được thiết kế phù hợp nhất cho các em lứa tuổi cấp Hai.

Theo dõi thông tin trên fanpage STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020https://www.facebook.com/steamforvietnam.org

Email: hello@steamforvietnam.org

Website: https://www.steamforvietnam.org

Các nguồn tham khảo:

“Đâu là phương pháp học cùng con tốt nhất cho các bố mẹ hiện đại” https://www.marrybaby.vn/be-tu-4-den-6-tuoi/phuong-phap-hoc-cung-con-tot-nhat

“Học cùng con điều mà cha mẹ đang dần quên” http://nhatvietedu.vn/29-cam-nang/danh-cho-cha-me/1931-hoc-cung-con-dieu-ma-cha-me-dang-dan-quen.html

“Những điều cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ” https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhung-dieu-cha-me-can-day-con-ngay-tu-khi-con-nho-503875.html

Chuyên mục
Học viên Khoá học Trại hè Lập trình 2020 Về Chúng tôi

Học lập trình với con: Gắn kết gia đình thời “ở nhà chống dịch”.

Đôi khi, trẻ em có thể khiến người lớn không khỏi bất ngờ trước óc tò mò vô biên và sự hào hứng khi tìm câu trả lời cho những điều đang diễn ra xung quanh chúng.

Qua chia sẻ của bạn bè, chị Yến đăng ký cho con tham dự khóa học “Introduction to Programming with Scratch — Lập trình Cơ bản với ngôn ngữ Scratch” của STEAM for Vietnam vào thứ Tư và Chủ Nhật hàng tuần để giúp con được học cách tư duy và xử lý vấn đề như một nhà Khoa học Máy tính. Do các buổi học diễn ra trên nền tảng trực tuyến, chị cũng như phụ huynh của hơn 3000 học sinh có được “dự giờ” và quan sát cách con tiếp thu môn học mới này.

Áp lực công việc hằng ngày khiến nhiều bậc cha mẹ khó mà có thể sát sao việc học của con. Từ ngày “Cô Vy” trở lại, cuộc sống thường ngày của cả nhà thay đổi khi con bắt đầu học tại nhà. Cha mẹ bỗng trở thành những nhà giáo bất đắc dĩ, thay thế thầy cô kèm con học bài.

Nhưng đối với chị và các phụ huynh khác, đây lại là cơ hội để gia đình dành thời gian bên nhau và cha mẹ biết thêm nhiều điều về cách học tập thú vị của của các con.

Những mẩu chuyện dưới đây hé lộ những điều thú vị về quá trình cả nhà cùng học lập trình thời “ở nhà chống dịch” trong buổi học đầu tiên tại Trại hè Coding Bootcamp 2020 vừa qua.

Học lập trình hay bất kì môn khoa học nào cũng cần có sự tư duy, quan sát và đưa ra phương hướng giải quyết.

Trong bài học lập trình trò chơi đầu tiên “Cá nướng của Miu đâu rồi?”, thầy giáo đặt câu hỏi về sự tương tác giữa các nhân vật. Sự khác biệt trong cách hai cha con nhìn nhận trò chơi khiến anh Thức cảm thấy vô cùng thú vị.

Trẻ em và người lớn có những cách suy nghĩ về cuộc sống khác nhau. Thực chất không có cách suy nghĩ nào là sai cả. Thay vì áp đặt cách suy nghĩ của mình lên con, cha mẹ hãy vui vẻ cùng con tìm hiểu vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau để cùng tìm ra cách giải quyết.

. . .

Học lập trình luôn đi kèm với việc bị gặp lỗi (bug). Lẽ dĩ nhiên, sửa lỗi (fix bug) cũng là một quá trình tốn rất nhiều thời gian.

Là bố mẹ, nhìn các con học tới khuya ai cũng thấy thương và lo lắng rằng các lỗi khó có làm con nhụt chí và mất hứng thú với trại hè. Tuy nhiên, điều này lại không thể nào ngăn các bạn nhỏ quyết tâm ngồi hàng giờ để sửa lỗi tới cùng.

Sau một buổi tối ngồi mò mẫm tự tìm cách giải, các con đã hoàn thành trò chơi của mình. Nhìn các con vui vẻ khoe về thành tích của mình, bố mẹ trong lòng cũng tự hào và vui không kém. Thế mới thấy, một khi đã có đam mê, các bạn nhỏ còn có khả năng kiên trì hơn cả người lớn đến bất ngờ.

. . .

Mặc dù đề bài thầy ra chỉ là hoàn thiện trò chơi “Cá nướng của Miu đâu rồi?”, giúp Miu vượt khỏi mê cung và tìm thấy Cá nướng. Nhưng các bạn nhỏ đã dùng trí tưởng tượng phong phú của mình để nghĩ ra cách nâng cấp trò chơi và thêm những yếu tố li kì hấp dẫn mới. Có những phiên bản nâng cấp khiến cha mẹ phải bật cười vì sự sáng tạo đầy hóm hỉnh của các con.

. . .

Trẻ em là độ tuổi muốn kết bạn và luôn dễ dàng để làm quen bạn mới. Đặc biệt, các con muốn cùng bạn bè được trải nghiệm và vượt qua thử thách, với các con, học lập trình một mình không thú vị bằng có bạn bè và gia đình cùng học.

Sau buổi học đầu tiên, con trai của anh Thuận đã mời được anh họ cùng học chung và hướng dẫn cho anh học các thao tác trên nền tảng Scratch. Anh họ của bé cũng rất hứng thú và quan tâm đến chương trình. Bên cạnh đó, bé cũng có đọc bình luận của các thầy cô và bạn bè để hoàn thiện sản phẩm của mình sau khi nộp bài.

. . .

Với trại hè Coding Bootcamp 2020, STEAM for Vietnam mong muốn được tạo ra một sân chơi bổ ích dành cho cả gia đình. Khoảng thời gian cha mẹ và con cùng nhau “Tò mò — Thử nghiệm — Thất bại — Thử nghiệm lại” sẽ tạo ra những kỉ niệm đáng nhớ gắn bó các thành viên trong gia đình với nhau.

Bên cạnh đó, STEAM for Vietnam cũng hy vọng cha mẹ cảm nhận được vai trò quan trọng của mình trong hành trình học của con. Đó không phải là cho con học và làm theo thầy một cách thụ động. Cha mẹ nên là một người “bạn đồng hành” của con trong các bài học: tham gia thảo luận bài học và lắng nghe để hiểu cách con tư duy. Từ đó, cha mẹ có thể gợi mở những góc nhìn mới để kích thích trí tò mò và khả năng sáng tạo của con.

— — —

Link đăng ký Trại hè 2021: https://tinyurl.com/SummerRegBlog
Hạn đăng kí: 20/06/2021

STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.

📧Email: hello@steamforvietnam.org

🌐Website: www.steamforvietnam.org

📺YouTube: www.youtube.com/c/STEAMforVietnam

🌐Zalo: Zalo Official

Bài viết: Linh Nguyen
Thiết kế: Ban Mai Tran
Chân thành cảm ơn các quý phụ huynh đã chia sẻ hình ảnh và câu chuyện với STEAM for Vietnam.