Lấy cảm hứng từ câu nói “Anyone Can Cook” của Bếp trưởng Gusteau trong bộ phim “Chú chuột đầu bếp”, STEAM for Vietnam đã cho ra mắt chuyên mục “Anyone Can Code”. Chúng tôi tin rằng, bất cứ ai, không kể tuổi tác hay giới tính, đều có thể lập trình, thậm chí là trở thành những nhà lập trình vĩ đại. Chuyên mục “Anyone Can Code” sẽ đem tới cho các bạn những câu chuyện phi thường, thay đổi những định kiến về ngành STEM.
Nhìn lại các thế kỷ trước, những người biết đọc và viết luôn có một vị trí quyền lực, kiểm soát cả hiện tại và tương lai. Ngày nay, khi cuộc sống con người được gắn liền với công nghệ, ngôn ngữ lập trình trở thành một ngôn ngữ giao tiếp cần thiết và đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên số, những người nắm bắt được nó có nhiều lựa chọn hơn để thành công cũng như định hình tương lai của họ thay vì là người tiêu dùng công nghệ thụ động. Từ đó, việc trang bị kỹ năng lập trình từ sớm, dù ở bất kì độ tuổi, giới tính nào là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, số liệu thực tế đã chỉ ra rằng: Lượng nữ giới tham gia vào những công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, đã giảm mạnh từ đầu những năm 90. Cũng vì lẽ đó, khi nhắc đến việc học lập trình, nhiều người thường mặc định đây là việc chỉ dành riêng cho đấng mày râu và không phải môn học lý tưởng với phái nữ. Đấy là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Theo tổ chức “Code Like a Girl”, một nghiên cứu vào năm 2016 đã thống kê: Trong 3 triệu yêu cầu được gửi trên GitHub — một hệ thống quản lý dự án và các mã lập trình, hoạt động như một mạng xã hội cho lập trình viên — các mã lập trình do phụ nữ viết đã được phê duyệt gần 79% trong khi con số này của nam giới là 74,6%. Điều này cho thấy, phụ nữ hoàn toàn có tiềm năng trong việc lập trình cũng như có thể đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, trước khi trở thành công việc đặc thù của nam giới, ít ai biết, các bóng hồng mới là những người đi tiên phong trong lĩnh vực lập trình này.
Đầu tiên phải kể đến Augusta Ada King hay thường được gọi là Ada Lovelace (10/12/1815–27/11/1852), một nhà văn, nhà toán học tài ba người Anh. Ada được xem là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới khi ngay từ giữa thế kỷ 19, lúc mà chiếc máy tính đầu tiên còn chưa ra đời, bà đã viết ra những mã lập trình máy tính đầu tiên. Trong những chú thích của mình, Ada Lovelace mô tả cách tạo code (mã lập trình) để thiết bị xử lý thêm cả chữ cái và biểu tượng chứ không chỉ các con số. Bà cũng lý thuyết hóa phương pháp để máy móc lặp lại một chuỗi lệnh, quá trình được gọi là “vòng lặp” (Loop) mà các chương trình máy tính ngày nay sử dụng.
Tiếp đến là Grace Hopper, lập trình viên tạo ra chiếc máy tính kỹ thuật số điện tử đầu tiên — UNIVAC. Về sau, các trạm theo dõi của NASA đã sử dụng phần cứng UNIVAC để liên lạc với các phi hành gia trong không gian. Năm 2016, Hopper đã được truy tặng Huân chương Tự do của Tổng thống vì những đóng góp của bà. Grace Hopper còn được lấy tên cho hàng loạt công trình, giải thưởng, học bổng liên quan đến công nghệ như một sự tưởng nhớ và kính nể đối với một tượng đài trong lĩnh vực lập trình.
Và còn rất nhiều cái tên thành công khác như Margaret Hamilton, người trong nhóm thiết kế, xây dựng phần mềm điều khiển bay cho chương trình Apollo — dự án đưa con người lên mặt trăng, Katie Bouman — người tạo ra thuật toán giúp chụp được hình ảnh của hố đen trong vũ trụ hay Danielle Feinberg — nữ lập trình viên của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Pixar…Tất cả đều là niềm tự hào của giới nữ lập trình viên và là tấm gương sáng cho chúng ta thấy định kiến về việc chỉ con trai có thể học lập trình là sai.
Một nghiên cứu khác cho thấy, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ sẽ có thu nhập cao hơn 35% so với phụ nữ làm ở các lĩnh vực phi công nghệ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty lớn đang chủ động tìm kiếm các nữ lập trình viên, điển hình là Apple khi gần đây họ đã khẳng định muốn tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực công nghệ. Chính vì thế cơ hội việc làm là rộng mở cho bất kỳ ai dù là nam hay nữ. Đương nhiên, tiếp xúc với lập trình từ sớm sẽ là một lợi thế lớn, đặc biệt là với các mầm non tương lai.
Việc học lập trình không chỉ nâng cao tư duy logic mà còn phát triển trí tưởng tượng, tính kiên nhẫn, phán đoán thẩm mỹ và kỹ năng thiết kế của trẻ. Vì thế, ngay cả với các bé không có định hướng theo lập trình lâu dài, đây vẫn sẽ là một kỹ năng nền quý giá, giúp ích cho bất kỳ ngành nghề nào mà các em muốn hướng đến trong tương lai.
Học lập trình không hề phân biệt giới tính hay thậm chí tuổi tác, điểm mấu chốt là niềm đam mê, và tính cách dám thử thách, không ngại khó. Giúp trẻ nhận ra việc học lập trình không chỉ mang lại lợi ích mà còn có rất nhiều niềm vui cũng là điều mà STEAM for Vietnam hướng đến.
STEAM for Vietnam sẽ tổ chức Coding Bootcamp 2020 theo hình thức Live MOOC đầu tiên ở Việt Nam vào mùa hè năm nay, tập trung vào chương trình dạy Lập trình Máy tính cho các em học sinh. Chương trình được thiết kế phù hợp với các bạn nhỏ ở cấp THCS, đặc biệt từ lớp 6 tới lớp 8 nhưng học sinh ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.
Theo dõi thông tin trên STEAM for Vietnam để cùng cập nhật những thông tin mới nhất về Coding Bootcamp 2020: https://www.facebook.com/steamforvietnam.org
Nguồn tham khảo:
https://quantrimang.com/10-bong-hong-tuyet-voi-nhat-moi-thoi-dai-trong-lang-lap-trinh-161638
https://www.space.com/34885-grace-hopper-biography.html
https://code.likeagirl.io/11-resources-for-women-who-want-to-learn-to-code-79ee4ba74f79
https://funtech.co.uk/latest/why-should-girls-learn-to-code
https://www.computerworld.com/article/3433260/apple-wants-and-needs-more-female-coders.html